Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 30/6/2022



 

BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 30/6/2022

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin bão trên biển Đông (cơn bão số 1)

Tối 28/6, vùng áp thấp trên khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 30/6, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 01 và có tên quốc tế là CHABA.

Hồi 07h00 ngày 01/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07h00 ngày 02/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Vùng nguy hiểm: phía Bắc vĩ tuyến 16 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 07 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 150km về phía Đông Đông Bắc; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, triều cường: do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao từ 5,0-7,0m, biển động dữ dội. Khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình cần đề phòng sóng lớn kết hợp triều cường gây ngập úng ở vùng trũng, thấp.

Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Thuỷ triều tại Hòn Dấu (Hải Phòng) lớn nhất đạt 3,5m (19h/02/7) vào thời điểm Bão ảnh hưởng đến khu vực vịnh Bắc Bộ.

2. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/29/6-19h/30/6): Khu vực Bắc Bộ có mưa phổ biến từ 40-80mm, một số trạm mưa lớn như: Mường Pồn (Điện Biên) 155mm; Hua Thanh (Điện Biên) 149mm; Yên Thế (Yên Bái) 103mm; Hà Lang (Tuyên Quang) 138mm, Xuân Phong (Hoà Bình) 107mm, Việt Trì (Phú Thọ) 121mm, Sơn Tây (Hà Nội) 112mm, Phú Lễ (Nam Định) 109mm.

- Mưa đêm (19h/30/6-07h/01/7): Khu vực miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa phổ biến từ 30-60mm, một số trạm mưa lớn như: Dân Tiến (Thái Nguyên) 74mm, Làng Cang (Yên Bái) 64mm, Mường Lống (Nghệ An) 100mm, Đồng Nghệ (Đà Nẵng) 71mm, Đăk Trăm (Kon Tum) 60mm.

- Mưa 03 ngày (từ 19h/27/6-19h/30/6): Các khu vực trên cả nước có mưa phổ biến 50-120mm; một số trạm mưa lớn như: Thượng Lâm (Tuyên Quang) 205mm; Mường Pồn (Điện Biên) 162mm; Song Tử Tây (Khánh Hoà) 161mm; Lộc Ninh (Bình Phước) 163mm; Định Quán (Đồng Nai) 136mm.

Dự báo: Ngày 01/7, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Từ đêm 02/7 đến ngày 07/7, Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.

3. Tin động đất: Ngày 30/6, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (tại vị trí 14,831 độ vĩ Bắc, 108,253 độ kinh Đông) và huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (tại vị trí 14,961 độ vĩ Bắc, 108,128 độ kinh Đông) đã xảy ra động đất, có độ lớn lần lượt là 2,6 và 2,7, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.

II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN

1. Các sông khu vực Bắc Bộ:

Mực nước sông Hồng tại trạm Hà Nội, sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm. Lúc 07h/01/7 mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 3,34m, trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 1,38m. Dự báo: Đến 7h/02/7 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng xuống mức 3,15m; đến 19h/01/7, mực nước tại trạm Phả Lại có khả năng ở mức 1,24m.

(Trạm Kẻng Mỏ lưu lượng dòng chảy về lúc 06h00/01/7 là 964 m3/s, giảm  90m3/s so với lưu lượng lúc 06h00/30/6).

2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên:

Mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.

3. Các sông Nam Bộ:

- Mực nước lúc 07h ngày 01/7 trên sông Mê Kông tại Kratie (Campuchia) là 10,75m (giảm 0,06m so với 7h/30/6).

- Mực nước cao nhất ngày 30/6 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,37m (thấp hơn mực nước TBNN cùng kỳ 0,09m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,45m (cao hơn mực nước TBNN cùng kỳ 0,03m); Mực nước 07h/01/7: Tân Châu 0,31m, Châu Đốc 0,08m.

Dự báo: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều. Đến ngày 04/7, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,55m; tại Châu Đốc ở mức 1,65m.

III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Hồ chứa:

a) Hồ chứa thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng:

Tên hồ

Thời gian

Htl (m)

Hhl (m)

Qvào (m3/s)

Qra (m3/s)

HCP(m)

(từ 16/6 ÷ 19/7)

Sơn La

7h

30/6

200,04

115,48

3.269

1.095

200

01/7

200,39

117,09

2.853

2.279

Hòa Bình

7h

30/6

105,48

13,80

3.186

3.958

105

01/7

105,21

13,80

3.955

2.359

Tuyên Quang

7h

30/6

104,51

47,70

733

0

105,2

01/7

104,91

47,90

658

0

Thác Bà

7h

30/6

52,76

20,75

283

0

56

01/7

52,90

20,75

403

0

Hiện nay, hồ Hoà Bình đang mở 01 cửa xả đáy.

b) Hồ chứa thủy lợi:

Khu vực Bắc Bộ có tổng số 2.543 hồ (325 hồ chứa lớn, 525 hồ chứa vừa, 1.693 hồ chứa nhỏ); trung bình đạt từ 65% - 95% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa đã đầy nước như: Hồng Khếnh (Điện Biên), Suối Chiếu, Chiềng Khoi (Sơn La), Ngòi Là 2, Hải Mô (Tuyên Quang), Ngòi Vần (Phú Thọ), Ghềnh Chè (Thái Nguyên), Thanh Lanh (Vĩnh Phúc), Đá Mài, Khe Chão (Bắc Giang).

Tình hình vận hành xả tràn: hồ Đầm Hà Động (Quảng Ninh) xả 6 m3/s.

2. Tình hình đê điều:

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa hiện có 41 trọng điểm, vị trí xung yếu (Quảng Ninh: 02; Hải Phòng: 14; Thái Bình: 09; Nam Định: 05; Ninh Bình: 02; Thanh Hóa: 02; Quảng Trị: 07); 20 công trình đê, cống, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang  (Quảng Ninh: 02; Hải Phòng: 05; Thái Bình: 06; Ninh Bình: 01; Thanh Hóa: 02; Nghệ An: 01; Quảng Trị: 02; Quảng Ngãi: 01), các công trình đều đã đắp đến cao trình thiết kế, đang thi công các hạng mục phụ trợ.

IV. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Về tàu thuyền:

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h30 ngày 01/7, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 59.967 tàu/269.122 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó còn 02 tàu/22 lao động đang hoạt động khu vực nguy hiểm gần tâm bão (cách 80-100 hải lý), cụ thể: QNa91944/12 lao động (Quảng Nam) và tàu QNg94149/10 lao động (Quảng Ngãi). Các tàu đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

2. Về nuôi trồng thủy sản: Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 163.270 ha (nuôi nước mặn lợ: 139.342 ha, nuôi nước ngọt: 93.598 ha). Nuôi lồng/bè: 208.823 ô lồng. Số lượng lều/chòi canh nuôi nhuyễn thể: 3.911 lều/chòi.

V. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI DO MƯA LỚN

Theo báo cáo nhanh số 55/BCN-BCH của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Điện Biên, mưa lớn ngày 30/6 tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên làm 03 nhà bị sạt lở, 61ha lúa hư hại, 01 vị trí đường giao thông địa phương bị sạt lở và 01 cầu treo bị hư hại.

VI. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương:

- Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai:

+ Đã có Công điện số 17/CĐ-QG ngày 30/6 gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định chỉ đạo ứng phó bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng; Công điện số 18/CĐ-QG ngày 30/6 chỉ đạo các tỉnh, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền.

+ Sáng ngày 29/6/2022, Phó trưởng Ban BCĐ QGPCTT Trần Quang Hoài đã chủ trì cuộc họp thường trực chỉ đạo triển khai ứng phó với bão.

- Các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải có Công điện chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý khi có tình huống; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thuỷ sản tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão.

- Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sớm nhận định và thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, ATNĐ phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

- Văn phòng thường trực BCĐ QGPCTT ban hành 01 công điện (Công điện số 16/CĐ-QG ngày 29/6/2022) và 03 công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển, các bộ ngành triển khai ứng phó với bão, ATNĐ.

- Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí thường xuyên đưa tin về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó.

2. Địa phương:

- Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã có công điện, văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.

- Các tỉnh, thành phố tổ chức kêu gọi tàu thuyền di chuyển tránh trú bão hoặc vào nơi neo đậu, hiện các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi còn 02 tàu/22 lao động đang hoạt động khu vực nguy hiểm gần tâm bão và đang di chuyển tránh trú.

VII. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Đối với tuyến biển:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

- Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến.

- Các tỉnh ven biển Bắc Bộ chủ động cấm biển trong ngày 02/7 tùy theo diễn biến thực tế tại địa phương.

2. Đối với vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ:

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công.

- Rà soát, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

- Thông tin, tuyên truyền và có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch nhất là khách du lịch và người dân trên các đảo.

3. Đối với miền núi phía Bắc:

- Chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối.

- Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.

- Rà soát phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông.

- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

- Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản./.

Tải file đính kèm