Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 30/10/2024



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 30/10/2024

 

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin mưa dông, cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi

Ngày 31/10, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: cấp 1.

2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Ngày và đêm 31/10, phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 8-10, giật cấp 12, biển động mạnh, sóng biển cao 5,0-7,0m; phía Nam của khu vực giữa Biển Đông và phía Bắc của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Ngoài ra, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

3. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/29/10-19h/30/10): Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 80-130mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Kỳ Liên (Hà Tĩnh) 187mm; Đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 332mm; Điền Hương (Thừa Thiên Huế) 203mm; Hải An (Quảng Trị) 184mm; Thủy điện La Tó (Quảng Trị) 169mm.

- Mưa đêm (19h/30/10-07h/31/10): Tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 211mm; Giang Hải (Thừa Thiên Huế) 166mm; Suối Lương (Đà Nẵng) 89mm; Suối Đá (Đà Nẵng) 75mm.

- Mưa đợt (19h/25/10-07h/30/10): Khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, có nơi trên 700mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh) 717mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 1.256mm; Thủy điện La Tó (Quảng Trị) 967mm; Tà Long (Quảng Trị) 888mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 1.222mm.

II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN

1. Các sông khu vực Bắc Bộ: Mực nước lúc 07h00 ngày 31/10 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,24m; sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,67m. Dự báo đến 07h/01/11, mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,0m; mực nước tại Phả Lại cao nhất dự báo là 0,85m, thấp nhất là 0,20m.

2. Các sông khu vực Trung Bộ:

- Mực nước lúc 07h/31/10, trên sông Kiến Giang tại trạm Lệ Thủy là 2,54m trên BĐ2 0,34m; hiện đang xuống chậm (đạt đỉnh 4,14m lúc 20h/28/10).

- Mực nước các sông khác biến đổi chậm, dao động theo điều tiết hồ chứa và theo triều.

3. Các sông khu vực Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Mực nước lúc 07h/31/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,42m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,40m. Dự báo: Đến ngày 03/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,55m, tại Châu Đốc ở mức 2,55m.

  III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Hồ chứa thuỷ điện (cập nhật đến 06h ngày 31/10/2024 theo báo cáo của Bộ Công Thương)

- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 07 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): A Lưới: 81/127; Bản Ang: 25/69; Bình Điền: 271/554; Đa krong 1: 143/176; Đa Krong 3: 907/952; La Tó: 56/63; Hương Điền: 356/667.

- Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: Có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả tràn/lưu lượng về hồ (m3/s): An Điềm 1: 46/51; Sông Côn bậc 1: 73/81; Sông Côn bậc 2: 61/85; Za Hưng: 151/194.

2. Hồ chứa thuỷ lợi (cập nhật đến 17h ngày 30/10/2024 theo báo cáo của Cục Thủy lợi)

- Khu vực Bắc Trung Bộ: Tổng có 2.323 hồ, đạt 52% - 92% dung tích thiết kế, trong đó 10 hồ đang vận hành xả tràn: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) Qxả = 247 m3/s; Hồ Rào Đá (Quảng Bình) Qxả = 218 m3/s, Hồ Vực Tròn (Quảng Bình) Qxả = 333 m3/s, Hồ Phú Hòa (Quảng Bình) Qxả = 13 m3/s, Hồ Sông Thai (Quảng Bình) Qxả = 61 m3/s; Hồ Bảo Đài (Quảng Trị) Qxả = 29 m3/s; Hồ Trúc Kinh (Quảng Trị) Qxả = 15 m3/s ; Hồ Ái Tử (Quảng Trị) Qxả = 10 m3/s; Hồ Hà Thượng (Quảng Trị) Qxả = 8 m3/s;  Hồ Tả Trạch (TT. Huế) Qxả = 237 m3/s.

- Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng có 517 hồ, đạt 34% - 81% dung tích thiết kế, trong đó 03 hồ đang vận hành xả tràn: Sông Cái (Ninh Thuận) Qxả= 27 m3/s; Hồ Sông Quao Qxả= 6 m3/s, Long Mỹ Qxả= 7 m3/s (Bình Thuận).

3. Tình hình đê điều

Do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 6, đến nay đã xảy ra 4 sự cố đê điều trên địa bàn 03 tỉnh/thành phố: Hà Tĩnh (02), Quảng Bình (01), Quảng Trị (01). Sự cố sạt lở mái đê bao nội đồng các huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đê cấp V, với tổng chiều dài khoảng 9.650m, tăng 4.550m tại huyện Quảng Ninh so với báo cáo ngày 29/10.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tính đến 07h/31/10, bão số 6 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại như sau:

- Về người: 05 người chết tại Quảng Bình; 05 người bị thương (Quảng Trị 01; Quảng Nam 04);

- Về nhà: 318 nhà hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 05, TT Huế 235, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 60);

- Về nông nghiệp: 1.269 ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại (Quảng Bình 791; Quảng Trị 456; TT Huế 05; Quảng Nam 7; Đà Nẵng 10);

- Về chăn nuôi: 1.506 con gia súc (Quảng Bình 488; Quảng Trị 1.017; Quảng Nam 01) và 104.699 con gia cầm (Quảng Bình 70.537; Quảng Trị 34.092; Quảng Nam 70) bị chết, cuốn trôi;

- Về thủy sản: 1.733ha NTTS bị thiệt hại (Hà Tĩnh 02; Quảng Bình 895; Quảng Trị 837);

- Về giao thông: 145 vị trí đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng (Quảng Bình 50, Quảng Trị 54, Thừa Thiên Huế 36, Quảng Nam 5); sự cố đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Sa Lung -Tiên An đã thông tuyến lúc 17h ngày 29/10;

- Về thủy lợi: 28,5km kè, kênh mương bị hư hỏng (Quảng Bình: 19,6km, Quảng Trị 8,9km);

Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Sáng ngày 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 6.

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên và các Bộ ngành ứng phó với bão số 6.

- Ngày 28-29/10, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để kiểm tra, phối hợp chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ.

- Ngày 29/10/2024, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 1148/ĐĐ-QLĐĐ về việc xử lý sự cố lún, sụt mái kè đê biển tả Nghèn, huyện Lộc Hà và đê biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

2. Địa phương

Các tỉnh, thành phố chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tỉnh Quảng Trị còn 97 hộ/125 người đang sơ tán, tỉnh Quảng Bình người dân đã trở về nhà.

VI. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão theo Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 ngày 27/10/2024.

2. Các tỉnh, thành phố tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.

3. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động ứng phó.

4. Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai./.

Tải file đính kèm