BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 30/10/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin dự báo mưa lớn diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên
Ngày 31/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 31/10 đến sáng 02/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-200mm, có nơi trên 400mm.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi: Cấp 2.
2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển
Ngày 31/10, khu vực Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Bắc biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Ngoài ra, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/29/10-19h/30/10): Khu vực Trung Bộ mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm; riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to từ 80-150mm, có nơi trên 250mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Chu Lễ (Hà Tĩnh) 449mm, La Khê (Hà Tĩnh) 436mm, Thanh Hòa (Quảng Bình) 263mm, Thủy điện Hố Hô (Quảng Bình) 231mm, Trung Sơn (Quảng Trị) 243mm.
- Mưa đêm (19h/30/10-07h/31/10): Khu vực Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 40-70mm, riêng từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-100mm; một số trạm có lượng mưa lớn: Hồ Đồng Ran (Quảng Bình) 131mm, Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 165mm, Trung tâm GDDN (Đà Nẵng) 179mm, Trạm kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 166mm, Phú Ninh (Quảng Nam) 154mm, Long Mỹ (Bình Định) 157mm, Chi cục Thủy lợi (Bình Định) 138mm.
- Mưa 3 ngày (19h/27/10-19h/30/10): Các khu vực Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Chợ Tràng (Nghệ An) 269mm, Vinh (Nghệ An) 248mm, VQG Vụ Quang (Hà Tĩnh) 563mm, Hương Vĩnh (Hà Tĩnh) 550mm, Thanh Hóa (Quảng Bình) 264mm, Trung Sơn (Quảng Trị) 244mm.
4. Tin lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi
Mực nước các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi lúc 07h/31/10 như sau:
- Sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) tại Hòa Duyệt 9,44m, trên BĐ2 0,44m; tại Chu Lễ 14,07m, trên BĐ3 0,07m (hiện dao động ở mức đỉnh và xu hướng đang xuống).
- Sông Gianh (Quảng Bình) tại Đồng Tâm 7,11m, trên BĐ1 0,11m.
- Sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy 1,46m, trên BĐ1 0,26m.
- Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 1,72m, trên BĐ1 0,22m.
Trong 06 - 12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ xuống dần, Hòa Duyệt tiếp tục lên, khả năng đạt đỉnh ở mức 9,80m, trên BĐ2 0,80m, sau xuống chậm. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Ngàn Sâu tiếp tục xuống.
Dự báo: Từ ngày 31/10 - 02/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3; các sông khác từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi lên mức BĐ1- BĐ2, có sông trên BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1, 2
II. TÌNH HÌNH THUỶ VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ
- Mực nước sông Hồng tại Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Lúc 07h/31/10 mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,34m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 1,03m.
- Dự báo: Đến 07h/01/11 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,40m; trong 36 giờ tới, mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 1,15m và thấp nhất ở mức 0,05m.
2. Các sông khu vực Nam Bộ
- Mực nước sông Cửu Long đang lên theo triều, mực nước cao nhất ngày 30/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,89m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,88m.
- Dự báo: Mực nước sông Cửu Long dao động ở mức cao, sau đó xuống. Đến ngày 03/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,85m và tại Châu Đốc ở mức 2,75m, các trạm hạ lưu ở mức BĐ1-BĐ2.
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
1. Hồ chứa thuỷ điện
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Hố Hô: 1595/1628; A Lưới: 15/58; Bình Điền: 51/55; Hương Điền: 163/795.
- Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ: Có 02 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Sông Bung 2: 20/20; Sông Bung 5: 20/225.
- Khu vực Tây Nguyên: Có 09 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Ayun Trung: 31/30; Buôn Tua Sha: 26/135; Đại Ninh: 10/37; Đơn Dương: 25/21; Đồng Nai 2: 10/89; Ialy: 20/420; PleiKrong: 11/141; Sê San 4: 112/787; Srepok 3: 37/430.
2. Hồ chứa thuỷ lợi
- Khu vực Bắc Bộ: Tổng có 2.543 hồ, tích nước đạt 65% - 98% dung tích thiết kế.
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Tổng có 2.323 hồ, tích nước đạt 58% - 86% dung tích thiết kế.
- Khu vực Nam Trung Bộ: Tổng có 517 hồ, tích nước đạt 34% - 93% dung tích thiết kế.
- Khu vực Tây Nguyên: Tổng có 1.246 hồ, tích nước đạt 84% - 95% dung tích thiết kế.
- Khu vực Nam Bộ: Tổng có 121 hồ, tích nước đạt 86% - 96% dung tích thiết kế.
3. Tình hình đê điều
Trong ngày trực ban không nhận được thông tin về sự cố đê điều.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Thiệt hại do mưa lũ khu vực miền Trung:
Theo Báo cáo nhanh của VPTT BCH PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, từ chiều tối ngày 29-30/10 mưa lớn đã gây thiệt hại:
a) Về người: 02 người chết do lũ cuốn trôi (Tống Thị Trang, sinh năm 1990 và Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 2010) và 01 người mất tích do lũ cuốn trôi (Nguyễn Thị Hoa, 29 tuổi) tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
b) Về ngập lụt:
- Có 860 hộ bị ngập nước và 95 hộ bị cô lập tại do đường vào bị ngập tại Hà Tĩnh; một số điểm dân cư của thôn Hà Môn và Mỹ Sơn (Quảng Bình).
- Hộ bị ngập, sạt lở sân vườn: 5.547 hộ tại Hà Tĩnh
c) Về giao thông:
- Về đường sắt Bắc Nam: Sạt lở 100m tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh làm ách tắc giao thông. Hiện tạm thời dùng xe khách vận chuyển hành khách qua đoạn sạt lở tiếp tục hành trình.
- Về Quốc lộ:
+ Hà Tĩnh: 01 điểm thuộc Quốc lộ thuộc xã Phúc Trạch bị ngập.
+ Quảng Bình: Đường thi công ngầm Khe Đèng (quốc lộ 15C Kim Hóa đi Tân Ấp) bị xói lở xe ô tô không qua được.
- Giao thông liên huyện và đường nông thôn:
+ Hà Tĩnh: 04 tuyến đường và 11 cầu tràn thuộc huyện Hương Khê bị ngập; 1.453 m đường giao thông liên xã thuộc các huyện Vũ Quang, Đức Thọ bị sạt lở.
+ Quảng Bình: 04 ngầm tràn và đường giao thông liên xã bị ngập từ 0,3-1,5m.
d) Về thủy lợi: Đập Tắt, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bị vỡ thân đập dài 15m, rộng 7m, sâu xuống 4m; gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa phía sau hạ du, không ảnh hưởng người và tài sản[1].
đ) Về nông nghiệp: 22ha hoa màu bị ngập tại Hà Tĩnh.
e) Số điểm trường bị ngập và sạt tường: 10 điểm trường tại Hà Tĩnh.
* Hiện nay, lượng mưa tại Hà Tĩnh đã giảm, nước đang rút chậm; các địa phương đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.
2. Thiệt hại do mưa to tại tỉnh Cao Bằng:
Theo Báo cáo nhanh của VPTT BCH PCTT&TKCN tỉnh, ngày 28-29/10 mưa to trên địa bàn huyện Hà Quảng làm 01 người chết do cây đổ vào nhà (Ông Lý Văn Chầu, sinh năm 1958, tại xóm Lũng Ngần, xã Hồng Sỹ) và 01 nhà gỗ bị đổ.
Nhiều đoạn đường Quốc lộ 34 (địa phận xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc) bị sạt lở gây ách tắc; hiện đã thông tuyến.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Ngày 30/10/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công văn số 400/VPTT gửi các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Phú Yên về việc ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.
- Ngày 29/10/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công văn số 399/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đề nghị chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển.
- Huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố trên đất liền từ Nghệ An đến Phú Yên chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với gió mạnh trên biển; trong đó có 15 tỉnh, thành phố[2] đã ban hành văn bản chỉ đạo.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Triển khai công văn số 400/VPTT ngày 30/10/2023 và số 399/VPTT ngày 29/10/2023 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai để ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển.
2. Tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại.
3. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
4. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
[1] Dung tích 0,4 triệu m3 (chiều cao đập: 8m, chiều dài đập: 60m)tưới 29ha (vụ xuân 19ha, vụ hè thu 10ha).
[2] Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau.
Tải file đính kèm