
BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 26/02/2025
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn trên biển
Ngày 27/02, vùng biển ngoài khơi từ Khánh Hòa đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,5m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
2. Tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ
Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 27-28/02/2025 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 40-52km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 35-42km; sông Hàm Luông: 40-50km; sông Cổ Chiên: 35-42km; sông Hậu: 35-42km; sông Cái Lớn: 30-37km. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 02/2024.
Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn: cấp 2.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/25/02-19h/26/02): Khu vực miền núi phía Bắc, Trung Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến 10-30mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Bản Khoang (Lào Cai) 27mm, Suối Hồ (Lai Châu) 47mm, Sơn Nham (Quảng Ngãi) 48mm.
- Mưa đêm (19h/26/02-07h/27/02): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa nhỏ dưới 10mm hoặc không mưa.
- Mưa 3 ngày (19h/23/02-19h/26/02): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Đỉnh Bạch Mã (Huế) 273mm, Ba Điền (Quảng Ngãi) 255mm, Sông Hinh (Phú Yên) 330mm, Ea M’Đoal (Đắk Lắk) 267mm.
II. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
1. Thiệt hại do dông lốc ở Cà Mau
Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, ngày 24-25/02/2025 xảy ra dông lốc làm sập hoàn toàn 01 nhà và tốc mái 06 nhà; ước tính tổng thiệt hại khoảng 32 triệu đồng.
2. Thiệt hại do mưa lớn
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên: từ ngày 22-25/02/2025, trên địa bàn các tỉnh xảy ra mưa lớn làm ngập úng, thiệt hại 4.893ha lúa vụ Đông Xuân (Bình Định 192ha, Phú Yên 4.701ha); 95ha hoa màu (Bình Định 64ha, Phú Yên 31ha); 1.446ha cây hàng năm (Phú Yên) và ảnh hưởng 376ha lúa, 15ha cây ăn quả (Quảng Nam).
Hiện nước đang rút chậm, các khu vực còn bị ngập. Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại; hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 813/BNN-ĐĐ ngày 05/02/2025 về việc chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển; văn bản số 1246/BNN-TL ngày 20/02/2025 về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025.
- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h); theo dõi, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để chủ động phòng ngừa, ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển theo văn bản số 813/BNN-ĐĐ ngày 05/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long[1] và thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các địa phương tổ chức trực ban, chủ động theo dõi thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo để triển khai các biện pháp ứng phó.
IV. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tiếp tục chủ động ứng phó gió mạnh trên biển theo văn bản số 813/BNN-ĐĐ ngày 05/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 1246/BNN-TL ngày 20/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai./.
Tải file tại đây
[1] Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang đã ban hành kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó hạn hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước mùa khô năm 2024-2025.