Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 21/12/2020



I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THỦY VĂN

  1. Tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (Suy yếu từ cơn bão số 14)

Hồi 01 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 220km về phía Đông Đông Bắc; Gió cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây (15-20km). Đến 01 giờ ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 180km về phía Tây Tây Bắc; Gió cấp 6, giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 7,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 106,5 đến 113,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Gió giảm xuống dưới cấp 6.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.

  1. Tin mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ, Nam Bộ và sóng lớn trên biển

Dự báo: Từ ngày 22/12 đến ngày 23/12, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 150mm và dông; Các tỉnh Nam Bộ từ chiều ngày 22/12 có mưa phổ biến 40-80mm/đợt, có nơi trên 100mm và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

- Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; đêm gió giảm dần. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 4,0-6,0m.

- Khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa dông. Vùng biển phía Tây khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 4,0-6,0m.

  1. Tình hình mưa

- Mưa ngày (từ 19h/20/12 đến 19h/21/12): Khu vực Trung Bộ rải rác có mưa với lượng mưa nhỏ hơn 20mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 47mm; Thượng Nhất (Thừa Thiên Huế) 41mm; Song Tử Tây (Khánh Hòa) 147mm.

- Mưa đêm (từ 19h/21/12 đến 07h/22/12): Khu vực Trung Bộ có mưa phổ biến dưới 20mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sông Tử Tây (Khánh Hòa) 28mm, UBND xã Sông Hinh (Phú Yên) 24mm.

- Mưa 03 ngày (từ 19h/18/12 đến 19h/21/12): Các khu vực Trung Bộ có mưa, mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 60-80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Song Tử Tây (Khánh Hòa) 291mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 168mm; Trường Sa (Khánh Hòa) 106mm.

II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

  1. Tình hình tàu thuyền
  2. a) Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng: các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, tính đến 06h00 ngày 22/12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 515 p.tiện/349.015 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể:

- Hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa: 344/2.236 người (các phương tiện chủ yếu đã neo đậu tránh trú tại khu vực quần đảo Trường Sa).

- Hoạt động khu vực khác: 10.883 tàu/74.099 người.

- Neo đậu tại các bến: 46.288 tàu/272.680 người.

  1. b) Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tính đến 06 giờ ngày 22/12 số lượng tàu thuyền được kiểm đếm tại các vùng nước cảng biển do Cảng vụ hàng hải từ Bình Thuận đến Kiên Giang, Cà Mau quản lý là 1.100 tàu thuyền, trong đó có 470 tàu biển và 630 phương tiện thủy nội địa.
  2. Tình hình nuôi trồng thủy sản

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau (khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và ATNĐ) có: Nuôi trồng mặn lợ (tôm, cá, nhuyễn thể) là 889.397ha; Nuôi nước ngọt là 84.354ha; Nuôi lồng/bè là 222.231chiếc. 

III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

  1. Trung ương

- Sáng ngày 21/12, Phó Trưởng Ban chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài đã chủ trì cuộc họp với bộ phận thường trực BCĐ để chỉ đạo ứng phó với bão.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT đôn đốc Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Công điện số 41/CĐ-TW ngày 19/12/2020 của Ban Chỉ đạo TW PCTT để chủ động ứng phó với bão số 14; tiếp tục thực hiện Công điện số 39/CĐ-TW ngày 12/12 để ứng phó rét đậm, rét hại kèm theo mưa và gió mạnh trên biển; chuyển các bản tin KTTV tới các địa phương để biết và chủ động phòng tránh.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT thường xuyên phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, kịp thời cung cấp, nắm bắt thông tin về các tàu cá gặp sự cố trong vùng biển nguy hiểm.

- Ngày 19/12, Bộ Ngoại giao đã có 02 Công hàm số 1316/CH-LS-BHCD, số 1317/CH-LS-BHCD gửi Đại sứ quán Philipine và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc đề nghị hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam vào nơi trú tránh; Công điện số 2841/CĐ-LS-BHCD gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Philipne về việc thông báo tình hình thiên tai và công tác hỗ trợ tàu thuyền.

- Ngày 21/12, Bộ Công thương đã có Công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 14.

- Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt có văn bản gửi các tỉnh Đà Nẵng đến Kiên Giang về việc chuẩn bị ứng phó với bão.

- Bộ Tư lênh Biên phòng tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu tại 42 địa điểm từ Quảng Bình đến Kiên Giang.

  1. Địa phương

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang đã có Công điện, văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với bão, ATNĐ.

IV. TÌNH HÌNH KHÁC

Theo thông tin của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận: Hồi 06h10 ngày 21/12, cách Đông Nam đảo Phú Quý khoảng 36 hải lý, Đoàn Cao Trai SN 1971 và Võ Thành Nam SN 1970, nhân viên của trạm Hải Đăng Hòn Hải/Bình Thuận, trong khi đi kiểm tra các trang thiết bị của trạm bị sóng đánh rơi xuống biển mất tích. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh đoàn 18 sử dụng máy bay tìm kiếm 02 nạn nhân trên nhưng chưa tìm thấy.

V. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

- Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện số 41/CĐ-TW và 39/CĐ-TW của Ban chỉ đạo TWPCTT.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh.

- Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người dân để có phương án bảo vệ lồng bè và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang neo đậu; Cục Trồng trọt tiếp tục hướng dẫn địa phương thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động tiêu úng.

- Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo, ứng phó; đảm bảo an toàn hồ chứa; phục hồi sản xuất.

- Các địa phương chủ động phát thông tin về ATNĐ trên hệ thống giám sát thiên tai và các phương tiện truyền thông của tỉnh.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN./.