BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 20/3/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin cảnh báo nắng nóng
Ngày 21/3 khu vực vùng núi phía Tây từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng. Ngày 22/3, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Từ ngày 21-22/3, khu vực miền Đông Nam Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
2. Tin cảnh báo triều cường khu vực ven biển Nam Bộ
Mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu ghi nhận được là 3,95m (vào lúc 11h15 ngày 19/03/2023).
Dự báo: Ngày 21/3, mực nước triều cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,00-4,10m. Do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao, làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông.
Cảnh báo cấp độ rủi do thiên tai do triều cường: Cấp 1.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/19/3-19h/20/3): Khu vực Tây Nguyên rải rác có mưa, mưa vừa với lượng mưa phổ biến dưới 35mm, các khu vực khác có mưa nhỏ hoặc không mưa; riêng trạm Quảng Thành (Đắk Nông): 40mm.
- Mưa đêm (19h/20/3-07h/21/3): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa nhỏ, lượng mưa không đáng kể hoặc không mưa, riêng tại Đăk Nông: Đăk R'Moan 21mm, Đạo Nghĩa 30mm.
- Mưa 3 ngày (19h/17/3-19h/20/3): Khu vực miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa với tổng lượng mưa phổ biến dưới 40mm.
II. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC NAM BỘ
- Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 56-60km.
- Trên sông Tiền, sông Hậu: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất từ 35-50km.
Dự báo ngày 21/3/2023: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng dần đạt mức cao nhất vào giữa tuần, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 3/2022.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: cấp 2.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo nhanh của BCH PCTT&TKCN tỉnh Điện Biên, gió lốc, mưa đá xảy ra chiều ngày 18-19/3 đã gây thiệt hại:
- 152 nhà hư hỏng mái, thiệt hại dưới 30% (Mường Ảng: 06; Điện Biên: 146).
- 771,16 ha lúa và hoa màu bị hư hại, 970 con gia cầm bị chết.
Ước tính tổng thiệt hại khoảng 506 triệu đồng. Hiện địa phương đang huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống và tiếp tục thống kê thiệt hại.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
Văn phòng thường trực tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
Các tỉnh Nam Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với xâm nhập mặn và nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, triều cường, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.