Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 19/10/2020



I. DIỄN BIẾN THIÊN TAI

1. Tin áp thấp nhiệt đới

Hồi 01 giờ ngày 20/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 126,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Phi-líp-pin khoảng 220km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 121,2 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Lu-dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

2. Tình hình mưa

        - Mưa ngày từ 19h/18/10 đến 19h/19/10: Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục có mưa rất lớn, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như: Hồ chứa nước Kim Sơn (Hà Tĩnh) 816mm, Kỳ Thượng (Hà Tĩnh): 797 mm, Ba Đồn (Quảng Bình): 665 mm, Tân Mỹ (Quảng Bình): 643 mm.

        - Mưa đêm từ 19h/19/10 - 04h/20/10: Khu vực phía Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa to và mưa rất to, phổ biến 50-60mm, một số trạm mưa lớn: Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh) 202mm, Vĩnh Tú (Quảng Trị) 175mm, Trường Thủy (Quảng Bình) 154mm.

        - Mưa 3 ngày (19h/16/10 - 19h/19/10): Khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như: Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 1.691mm, Hồ chứa nước Kim Sơn (Hà Tĩnh) 1.334mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 1.068mm, Vạn Trạch (Quảng Bình) 1.063mm, Trường Xuân (Quảng Bình) 996mm.

        Dự báo: Ngày và đêm 20/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 100mm; ở Nghệ An từ 10-30mm, riêng phía Nam có nơi trên 40mm. Từ nay đến ngày 21/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; ở khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên 50-100mm, có nơi trên 150mm.

3. Tình hình lũ

Hiện nay, lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đang dao động ở mức đỉnh, lũ trên các sông ở Quảng Bình, sông Hương (Thừa Thiên Huế) đang xuống, sông Bồ (Thừa Thiên Huế) có dao động. Mực nước lúc 06 giờ ngày 20/10 trên một số sông như sau:

- Trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt là 9,35m, trên BĐ2 0,35m.

- Trên sông Gianh tại Mai Hóa là 5,42m, trên BĐ2 0,42m.

- Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 4,34m, trên BĐ3 1,64m.

- Trên sông Bồ tại Phú Ốc là 3,49m, trên BĐ2 0,49m.

- Trên sông Hương tại Kim Long là 1,92m, dưới BĐ2 0,08m.

Dự báo: Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Ngàn Sâu, các sông ở Quảng Bình, sông Hương xuống dần, sông Bồ có dao động. Trưa đến chiều 20/10, mực nước trên các sông có khả năng như sau:

- Trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 9,3m, trên BĐ2 0,3m.

- Trên sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 5,0m, ở mức BĐ2.

- Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 4,0m, trên BĐ3 1,3m.

- Trên sông Bồ tại Phú Ốc dao động ở mức 3,3m, trên BĐ2 0,3m.

- Trên sông Hương tại Kim Long xuống mức 1,7m, dưới mức BĐ2 0,3m.

4. Tình hình ngập lụt

Tính đến 17h ngày 19/10 có 177.921 hộ dân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập, cụ thể:

- Nghệ An: 21 hộ ngập tại huyện Anh Sơn.

- Hà Tĩnh: 31.000 hộ tại 10 huyện, thị xã, thành phố: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Tx. Kỳ Anh và Vũ Quang.

- Quảng Bình: 95.141 hộ tại 08 huyện, thị xã, thành phố: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, TX Ba Đồn, TP Đồng Hới và Quảng Trạch

- Quảng Trị: 53.759 hộ tại 09 huyện, thành phố: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Tp Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị, Triệu Phong và Hải Lăng.

Thừa Thiên Huế hiện còn 39/145 phường, xã (24% số xã toàn tỉnh) còn ngập 0,3 đến 0,5m.

5. Tình hình sơ tán dân

Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến 17h ngày 19/10, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã sơ tán 52.115 hộ/90.953 người (Nghệ An: 277/1.380; Hà Tĩnh: 13.848/41.075; Quảng Trị: 15.011/48.498). Tại Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 22.979 hộ.

II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

1. Hồ thủy điện.

Hiện có 70 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, cụ thể: Bắc Trung Bộ: 14 hồ; Duyên Hải Nam Trung Bộ: 14 hồ; Tây Nguyên: 31 hồ; Bắc Bộ: 09 hồ; Đông Nam Bộ: 02 hồ.

2. Hồ thủy lợi.

- Khu vực Bắc Trung Bộ: tổng số 2.323 hồ, dung tích trung bình 65-90% dung tích thiết kế, trong đó có 1.249 hồ đầy nước.

- Khu vực Nam Trung Bộ: tổng số 517 hồ, dung tích trung bình 23%÷87% dung tích thiết kế, trong đó có 203 hồ đầy nước.

3. Một số hồ chứa cụ thể

3.1 Liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng

Các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã đóng tất cả các cửa xả

Tên hồ

Lúc 07h00/20/10

Dự báo 5 ngày tới

Htl (m)

Qv (m3/s)

Qx (m3/s)

Số cửa xả

Qv max (m3/s)

Qtb (m3/s)

Qmin (m3/s)

Sơn La

215,91

1.565

1.704

0

2.600

1.390

320

Hòa Bình

116,29

468

2.178

0

3.000

1.718

450

Tuyên Quang

119,97

360

574

0

700

470

250

Thác Bà

58,19

309

365

2

600

270

190

3.2 Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tên Hồ

Thời gian

MNDBT

(m)

MNTL (m)

SS

MNDBT

Qvề

(m3/s)

Qxả

(m3/s)

Ngàn Trươi

04h/20/10

52

48,77

- 3,23

 

85

Kẻ Gỗ

05h/20/10

32,5

32,93

0,43

322

795

Thượng Sông Trí

04h/20/10

32

29,75

- 2,25

 

200

3.3. Lưu vực sông Hương: Các hồ cơ bản đang đầy nước, đang xả để đưa về mực nước đón lũ. Các thông số tại thời điểm 07h/20/10

Tên Hồ

MN

DBT(m)

MNTL (m)

SS

MNDBT

Q(m3/s)

Qđến

Qxả

Hương Điền

58

56,31

-1,69

401

904

Bình Điền

85

82,03

-2,97

384,16

560,62

Tả Trạch

45

42,6

-2,4

223

536,6

A Lưới

553

552,989

-0,011

151

153,1

Các hồ duy trì lượng xả để hạ dần mực nước hồ chuẩn bị cho tình huống mưa lũ sắp tới.

III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng có Điện ngày 16/10/2020 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

- Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1411/CĐ-TTg ngày 18/10/2020 về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

- Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có Công điện số 27/CĐ-TWPCTT  ngày 18/10/2020 về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

- Ngày 19/10/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Công điện số 28/CĐ-TW gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và số 29/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du hồ Kẻ Gỗ, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và mưa lũ các tỉnh miền Trung.

- Chiều ngày 19/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp Thường trực Chính phủ mở rộng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai.

- Sáng ngày 20/10/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó khắc phục hậu quả với mưa lũ tại tỉnh Hà Tĩnh.

- Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện số 512/CĐ-UB hồi 13h ngày 16/10/2020 về việc cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Tiểu khu 67 và Thuỷ Điện Rào Trăng 3.

- Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị quân đội duy trì lực lượng, phương tiện tại hiện trường phối hợp với các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm người mất tích.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông tổ chức nhắn tin khẩn cấp đến 13,1 triệu thuê bao trong vùng ảnh hưởng mưa, lũ; 260.000 tin nhắn trên Zalo; 180.000 tài khoản facebook đã tiếp cận được thông tin cảnh báo lũ; 1.248 lượt chia sẻ, 12.262 người tương tác trên facebook (số lượng người tương tác tiếp tục tăng).

- Sáng ngày 19/10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức cuộc họp với các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai về “Vận động hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh duyên hải trung Bộ bị thiệt hại do lũ lụt”.

-  Ngày 19/10/2020, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác vào Hà Tĩnh kiểm tra, hỗ trợ công tác ứng phó với mưa, lũ và điều tiết hồ chứa và cử cán bộ phối hợp, hỗ trợ trực tiếp tại Văn phòng TT BCH PCTT và TKCN các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

2. Địa phương

Các địa phương nghiêm túc triển khai Điện của Thường trực Ban Bí thư, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của BCĐ TW PCTT về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, cụ thể:

- Tỉnh Hà Tĩnh: Tỉnh ủy đã ban hành Công điện khẩn số 2519-CĐ/TU ngày 14/10/2020, Công điện số 01-CĐ/TU ngày 19/10/2020 về việc tập trung, khẩn trương công tác ứng phó với mưa, lũ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công điện số 24/CĐ-UBND ngày 16/10/2020 về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông và tình hình mưa  lũ; Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành lệnh sơ tán dân số 192/PCTT ngày 19/10/2020 để di dời các hộ ngập lụt vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ.

- Tỉnh Quảng Bình: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 05 Công điện chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ và ngập sâu trên diện rộng.

- Tỉnh Quảng Trị:  Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 06 Công điện chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất và ngập sâu trên diện rộng; đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Bí thư, phó Bí thư thường trực, Chủ tịch, phó chủ tịch làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lũ, khắc phục hậu quả do sạt lở và ngập sâu diện rộng.

        - Tỉnh Nghệ An: Đã ban hành các công điện và cử các đoàn công tác trực tiếp tới các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ.

IV. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI VÀ HỖ TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI.

1. Về người: Tổng số thiệt hại về người từ 06/10-19/10 là 132 tăng 08 người (sạt lở đất: 60 người, lũ: 56 người, tai nạn tàu biển: 08 người, bất cẩn khi dọn vệ sinh: 04 người, nguyên nhân khác: 4 người), trong đó:

- Người chết: 105 người (Nghệ An 01; Hà Tĩnh 02; Quảng Bình 06, tăng 04; Quảng Trị 49, tăng 08 người; Thừa Thiên Huế 27, Quảng Nam 11, Đà Nẵng 03, Quảng Ngãi 01, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01, Kon Tum 02).

- Người mất tích: 27 người, gồm: Nghệ An 01, Hà Tĩnh 01; Quảng Trị 8, giảm 8; Thừa Thiên Huế: 15 người (công nhân tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 01, Gia Lai 01.

Đã tìm thấy thi thể của 22/22 cán bộ, chiến sỹ tại vị trí sạt lở Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4), xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.

2. Về giao thông: 16 tuyến Quốc lộ, 165.150m đường Quốc lộ, 140.125m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Hiện tại, ngập lụt, chia cắt tại 03 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và 01 vị trí trên đường Hồ Chí Minh; nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

3. Về nông nghiệp: 6.989ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

4. Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.

- Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị  hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.

- Các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.

V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Tiếp tục thực hiện Điện ngày 16/10/2020 của Thường trực Ban Bí thư; công điện số 1411/CĐ-TTg ngày 18/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; công điện số 27/CĐ-TWPCTT ngày 17/10/2020 của Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; công điện số 28/CĐ-TWPCTT, số 29/CĐ-TWPCTT ngày 19/10/2020 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

- Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

- Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

- Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập.

- Tổ chức vận hành, bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn.

- Phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

- Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ. Huy động mọi phương tiện, nguồn lực nhanh chóng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc; khắc phục giao thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt.

- Tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

Tải file tại đây