Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 16/7/2023



BÁO CÁO NHANH

Công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 01

I. DIỄN BIẾN BÃO SỐ 1 (TALIM)

1. Diễn biến của bão:

Hồi 04h00 ngày 17/7, tâm bão ở 20,0 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.

2. Dự báo:

- Trong 24h tới: bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.

- Vùng nguy hiểm trong 24h tới: phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 107,5-115,5 độ Kinh Đông.

- Gió mạnh:

+ Trên biển: Từ chiều và tối ngày 17/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.

+ Trên đất liền: Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.

- Nước dâng, sóng lớn:

+ Sóng biển: vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông cao 5,0-7,0m; Bắc Vịnh Bắc Bộ cao 3,0-5,0m; ven biển từ Quảng Ninh - Nam Định cao 2,0-4,0m.

+ Nước dâng: ven biển từ Quảng Ninh-Thái Bình có nước dâng từ 0,5-0,8m.

- Dự kiến đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh - Thái Bình vào chiều tối ngày 18/7.

- Thủy triều: cao nhất 3,7m lúc 18h/18/7 (thời điểm dự kiến bão đổ bộ). Nguy cơ cao ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển.

- Mưa lớn: Từ đêm 17/7 đến ngày 20/7, Bắc Bộ mưa 200-400mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa và Nghệ An mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm. Mưa ở Bắc Bộ có thể kéo dài.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão.

- Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành 02 công điện (số 05/CĐ-QG ngày 15/7/2023; số 04/CĐ-QG ngày 14/7/2023) chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành ứng phó với bão.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành văn bản số 262/VPTT ngày 13/7; Công điện số 03/CĐ-VPTT ngày 14/7 gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đề nghị chủ động ứng phó với ATNĐ gần biển Đông.

- Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn phòng phòng Uỷ ban QG về ƯPSCTT&TKCN đã có công điện chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý khi có tình huống; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành các công trình đê điều đang thi công. Cục Quản lý đê điều và PCTT đã có văn bản chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai ứng phó với bão để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

- Cục Thuỷ lợi, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã ban hành Công điện gửi các địa phương và các đơn vị liên quan để chủ động ứng phó với bão.

- Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thường xuyên cập nhật, cung cấp các bản tin dự báo bão phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

2. Địa phương

- Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và một số tỉnh khu vực miền núi: Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương đã có công điện, văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão.

- Tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền di chuyển vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

- Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17/7, Hải Phòng dự kiến từ 21h ngày 17/7. Các địa phương khác tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

- Các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh NTTS; trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng  8.691, Thái Bình 19.021; Nam Định 1.128; Ninh Bình 347).

- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

III. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN VÀ DU LỊCH TRÊN CÁC ĐẢO

1. Về tàu, thuyền

a) Tàu cá: Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h00 ngày 17/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.188 tàu/226.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.

b) Tàu vận tải: Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 553 tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 01. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc neo đậu của các tàu hàng tại các cảng, khu vực cửa sông.

2. Về nuôi trồng thuỷ sản

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 119.803ha, 3.806 chòi canh, 20.189 lồng/bè; các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

3. Tình hình du lịch trên các đảo

Tính đến 18h ngày 16/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số 17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo (Quảng Ninh 4.096 người, Hải Phòng 13.318 người). Toàn bộ khách du lịch đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền từ ngày 16/7/2023; đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn.

IV. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

1. Hồ thuỷ điện khu vực Bắc Bộ

Mực nước các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đang thấp hơn mực nước cho phép (Tính đến 5h00 ngày 17/7: Sơn La: thấp hơn 4,2m; Hoà Bình thấp hơn 9,41m; Tuyên Quang thấp hơn 5,2m; Thác Bà thấp hơn 7,35m).

2. Hồ thuỷ lợi khu vực Bắc Bộ

- Có tổng số 2.543 hồ; trung bình đạt từ 32% - 80% dung tích thiết kế, một số tỉnh MN hồ chứa ở mức cao như: Thái Nguyên 80%, Phú Thọ 79%, Ninh Bình 89%.

- Hồ xung yếu: 487 hồ (Hà Giang 13, Cao Bằng 19, Lai Châu 2, Điện Biên 2, Lào Cai 4, Yên Bái 21, Tuyên Quang 56, Bắc Kạn 11, Thái Nguyên 71, Lạng Sơn 30, Quảng Ninh 13, Sơn La 36, Phú Thọ 63, Vĩnh Phúc 24, Bắc Giang 9, Hải Dương 15, Hà Nội 13, Hoà Bình 81, Ninh Bình 4).

- Hồ đang thi công: 20 hồ (Tuyên Quang 2, Thái Nguyên 5, Sơn La 1, Vĩnh Phúc 2, Hà Nội 1, Hoà Bình 7, Ninh Bình 2).

V. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU

Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có tổng chiều dài 6.692km đê (411km đê biển, 463km đê cửa sông, 4.869km đê sông); trong đó:

- Có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu (đê sông 263; đê biển, đê cửa sông 26).

- Có 08 công trình đang thi công dở dang và 04 vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để cần quan tâm triển khai phương án bảo vệ, cụ thể:

+ Công trình đang thi công dở dang: thi công đê hữu Hồng từ KS Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân; xử lý sự cố lún sụt đê tả Hồng, huyện Mê Linh; cống Bộ Đầu tại K101+030 đê hữu Hồng (Hà Nội); cống Cồn Thoi trên đê Bình Minh II; gia cố 50m đoạn hợp long đê biển Bình Minh IV (Ninh Bình); cống Hà Hải tại K19+620 đê tả Lèn; dự án nâng cấp đê biển Nga Sơn (Thanh Hóa); nâng cấp đê cửa sông tả Thái (Nghệ An).

+ Sự cố đê điều: nứt mái đê phía đồng tại cống Cẩm Hà và sạt lở mái đê phía sông tại K25+850 đê hữu Cầu, TP Hà Nội; lún, nứt đê hữu Thương đoạn K43+100-K43+400, tỉnh Bắc Giang; sự cố lún, sạt mái đê tả Mã đoạn K49+950-K50+950, tỉnh Thanh Hóa (hiện đã xử lý giờ đầu).

VI. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

- Vụ Hè thu: Hiện có 173.000 ha lúa Hè Thu đang giai đoạn đẻ nhánh tập trung tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

- Vụ Mùa: Đã gieo cấy được 970 nghìn ha/1.008 nghìn ha, đạt 96,2% (trung du miền núi phía Bắc 380 nghìn ha/406 nghìn ha, đạt 93,4%; đồng bằng sông Hồng 450 nghìn ha/462 nghìn ha, đạt 97,4%; Bắc Trung Bộ đã gieo cấy xong 140 nghìn ha).

VII. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Bão số 1 có cường độ mạnh, dự báo mưa rất lớn sau bão kéo dài. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, các Bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai với các nội dung trọng tâm như sau:

1. Trên tuyến biển:

Tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn, kêu gọi các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Kiểm tra, hướng dẫn việc xắp xếp, neo đậu tàu thuyền và có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

- Căn cứ diễn biến của bão và tình hình thực tế tại địa phương để chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.

- Gia cố, di chuyển lồng bè nuôi thủy hải sản trên biển, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh NTTS trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

- Rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn đối với khách du lịch lưu trú trên các đảo, thông báo, tuyên truyền không để khách du lịch hiếu kỳ ra bờ biển đón bão tránh tai nạn đáng tiếc.

2. Đối với khu vực đồng bằng, ven biển:

- Rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu ở cửa sông, ven biển.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trước tác động của triều cường, sóng lớn do bão và mưa lũ sau bão, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục hoặc đang thi công dở dang.

Tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu quảng cáo, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại.

Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt đối với các khu vực đô thị, khu công nghiệp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố thường xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, ...

Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người do cây đổ, biển quảng cáo, mái tôn bay,...

3. Đối với khu vực miền núi:

Kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với với tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở, chia cắt.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.

Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. - Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

4. Các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, triển khai hiệu quả công tác ứng phó với bão, mưa lũ.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân./.

Tải file đính kèm