Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 14/11/2020



BÁO CÁO NHANH
Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 14/11/2020

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Diễn biến của bão số 13 (Vamco)

- Hồi 04 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.

- Dự báo: trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3

2. Về mưa:

- Mưa ngày (từ 19h ngày 13/11 đến 19h ngày 14/11): các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa to đến rất to phổ biến từ 50 - 80mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 83mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 144mm; Hồ chứa nước Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 196mm; TT Tre Khe (Thừa Thiên Huế) 148mm; Lộc Tiến (Thừa Thiên Huế) 91mm; Suối Lương (Đà Nẵng) 96mm; Hòa Bắc (Đà Nẵng) 82mm. Các khu vực khác ở miền Trung và Tây Nguyên rải rác có mưa từ 10 – 30mm.

- Mưa đêm (từ 19h ngày 14/11 đến 6h ngày 15/11): các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị có mưa to đến rất to phổ biến từ 50 - 70mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Hải An (Quảng Trị) 148mm, Cửa Tùng (Quảng Trị) 108mm, Lộc Tiến (Thừa Thiên Huế) 131mm, Hồ chứa nước Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 119mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 118mm, Suối Lương (Đà Nẵng) 101mm.

Dự báo: Từ ngày 15-16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An có mưa to với lượng mưa từ 40-80mm.

3. Về thủy văn

Mực nước các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định có dao động nhỏ, mực nước lúc 06h/15/11 trên sông Hương tại Kim Long 2,38m (trên BĐ2 0,38m); sông Bồ tại Phú Ốc 3,27m (trên BĐ2 0,27m); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 7,23m (trên BĐ1 0,73m), sông Kôn tại Thạnh Hòa 6,27m (trên BĐI 0,27m lúc 01h 15/11); các sông khác ở mức thấp.

Dự báo: đến trưa ngày 15/11, trên sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,0m, dưới BĐ3 0,50m; Trên sông Hương tại Kim Long lên mức 2,8m, dưới BĐ3 0,70m. Các sông khác ở Quảng Nam và Quảng Trị dao động ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 13

1. Trung ương

- Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11 và số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11/2020 chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có 04 công điện và văn bản:

+ Công điện số 37/CĐ-TW ngày 11/11 để chỉ đạo chủ động triển khai ứng phó với bão

+ Ngày 13/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản số 184/TWPCTT gửi Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên về việc triển khai các giải pháp chính ứng phó với bão số 13.

+ Văn bản số 189/TWPCTT ngày 14/11/2020 gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản về việc phối hợp triển khai công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền.

+ Văn bản số 190/TWPCTT ngày 14/11/2020 gửi Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh/TP khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã thành lập 02 đoàn công tác tiền phương để chỉ đạo các địa phương: Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn làm việc tại Hà Tĩnh, Quảng Bình; Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn làm việc tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị .

- Bộ Giao thông vận tải có Công điện số 42/CĐ-BGTVT ngày 14/11/2020 chỉ đạo các đơn vị tập trung ứng phó với bão số 13.

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn 12.146.886 lượt tin nhắn cho các thuê bao trong vùng dự kiến ảnh hưởng bão số 13 từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi để chủ động phòng tránh.

- Bộ Công thương đã chỉ đạo chủ động cắt điện đối với 283 xã thuộc 06 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; dự trữ nhu yếu phẩm, bình ổn giá hàng tiêu dùng.

2. Địa phương:

- Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị đã ban hành lệnh cấm người dân ra đường từ 18h ngày 14/11/2020 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiêm cứu nạn tỉnh.

III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Tình hình hồ chứa

a) Hồ chứa thủy lợi: các hồ Bắc Trung Bộ cơ bản tích đủ nước; khu vực Nam Trung Bộ: đạt 56-89% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên đã cơ bản đầy nước, dung tích trung bình 79-96% DTTK.

Tình hình vận hành đến 04h ngày 15/11 của một số hồ chứa (MN/MNDBT, Qxả) như sau: Cửa Đạt (Thanh Hóa) 109,47m/110m, Qxả 142,75 m3/s; Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) 48,94m/52m, hiện không xả; Kẻ Gỗ: 30,73m/32,5m, Qxả 10m3/s; Tả Trạch (T.T.Huế) 42,67m/45m, Qxả 596 m3/s.

b) Hồ chứa thủy điện:

Có 206 hồ cập nhật thông tin đến 06h ngày 15/11, cụ thể:

- Khu vực Bắc Trung Bộ: có 09 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Hủa Na: 78/143; Chi Khê: 358/521; Quảng Trị: 45/22; Đakrông 1: 69/107; A Lưới: 54/102; Bình Điền: 842/567; Hương Điền: 618/408; Thượng Lộ: 380/439; A Roàng: 26/31.

- Khu vực Tây Nguyên: có 23 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

- Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ: có 24 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn

2. Tình hình đê điều

Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có 683,11 km đê biển và đê cửa sông (531,64km đê biển; 151,47km đê cửa sông), trong đó:

- Có 53 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 128km (Nghệ An 04; Hà Tĩnh 05; Quảng Bình 05; Quảng Trị 15; Thừa Thiên Huế 20; Quảng Ngãi 04).

- Có 22 công trình đê, kè đang thi công dở dang với tổng chiều dài 31,02km (Nghệ An 06; Hà Tĩnh 02; Quảng Bình 05; Quảng Trị 03; Thừa Thiên Huế 02; Đà Nẵng 01; Quảng Ngãi 03).

Ngoài ra, trước tác động liên tiếp của các đợt bão, lũ vừa qua, khu vực Trung Bộ đã bị sạt lở tổng số 92km bờ biển, bờ sông ven biển; trong đó, một số nơi bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng như: bờ biển Nhật Lệ, TP Đồng Hới (Quảng Bình); bờ biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang (T.T. Huế); bờ biển Cửa Đại (Quảng Nam).

IV.TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Tình hình tàu thuyền

- Đối với tàu cá: Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 15/11 đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện/289.062 người, trong đó hoạt động trên biển 3.120 phương tiện/21.602 người, neo đậu tại các bến 56.632 phương tiện/267.460 người. Hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.

- Tàu vận tải: Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến 16h ngày 14/11, đã kiểm đếm, thông báo 436 tàu, trong đó 174 tàu biển, 262 phương tiện thủy nội địa tại khu vực cảng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định.

2. Nuôi trồng thủy sản:

Khu vực Nghệ An đến Quãng Ngãi:

- Tổng diện tích 43.419 ha (trên biển, ven bờ 23.221ha, nuôi nước ngọt là 20.198ha)

- Số lồng bè: 15.485 lồng, bè (Nghệ An 2.091, Hà Tĩnh 1.031, Quảng Bình 1.124, Quảng Trị 1.016, Thừa Thiên Huế  7.586, Đà Nẵng 381, Quảng Nam 483, Quảng Ngãi 1.773). Đến 17h ngày 14/11, các địa phương đã tổ chức chằng chống, gia cố an toàn và sơ tán dân khỏi lồng bè.

V. TÌNH HÌNH SƠ TÁN DÂN, THIỆT HẠI

1. Về sơ tán dân:

Tính đến 07h/15/11/2020, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộ/ 324.780 người đến nơi an toàn (Hà Tĩnh: 3.616 hộ/12.486 người; Quảng Bình: 14.259 hộ/ 47.372 người; Quảng Trị: 13.470 hộ/ 39.725 người; Thừa Thiên Huế: 22.348 hộ/73.940 người; Đà Nẵng: 16.135 hộ/ 78.544 người; Quảng Nam: 23.687 hộ/ 71.840 người; Quảng Ngãi: 280 hộ/873 người).

2. Về thiệt hại: Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại ban đầu do bão số 13 như sau: 05 người bị thương do chằng chống nhà cửa (Quảng Trị 2, Quảng Nam 3).

VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO:

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11 và số 1601/CĐ-TTg ngày 14/11, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

  1. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão.
  2. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu.
  3. Kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du.
  4. Kiểm tra, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong thời gian bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão.
  5. Đảm bảo an ninh trật tự tại những khu vực sơ tán dân đi và đến./.

Tải file tại đây