Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 14/10/2021



 

 

 

BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 14/10/2021


 

Trên cơ sở báo cáo của các bộ phận trực[1], Văn phòng thường trực báo cáo công tác trực ban ngày 14/10 như sau:

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin cuối cùng về cơn bão số 8 (bão Kompasu)

8h sáng 14/10, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), cách Hà Tĩnh 200km, di chuyển hướng Tây 25km/h. Đến 16h ngày 14/10, ATNĐ đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển ven bờ Nam Định đến Thanh Hóa, di chuyển theo hướng Tây, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6, sau đó tiếp tục suy yếu.

2. Tin mưa lớn Trung Bộ

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp, từ đêm 15/10 đến 18/10 ở khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to:

- Nghệ An có tổng lượng mưa từ 100-200mm/đợt, cục bộ có nơi trên 200mm;

- Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có tổng lượng mưa từ 300-600mm/đợt, cục bộ có nơi trên 600mm;

- Đà Nẵng và Quảng Nam có tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, cục bộ có nơi trên 300mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở Trung Bộ: Cấp 2.

3. Tình hình mưa

- Mưa ngày (từ 19h/13/10-19h/14/10): khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-100mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Bản Mù (Yên Bái) 236mm, Làng Nhi (Yên Bái) 229mm, Nậm Xây (Lào Cai) 207mm, Ô Quy Hồ (Lào Cai) 194mm, Ngọc Trà (Thanh Hóa) 121mm, Đồng Văn (Nghệ An) 207mm, Bình Chuẩn (Nghệ An) 156mm.

- Mưa đêm (từ 19h/14/10-07h/15/10): các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 50-70mm, một số trạm lớn: Bát Xát (Lào Cai) 137mm, Ý Tý (Lào Cai) 95mm, Xín Chải (Hà Giang) 76mm, Ia Phôn (Gia Lai) 73mm, (Đắk Hà) Đắk Nông 70mm.

- Mưa 3 ngày (từ 19h/11/10-19h/14/10): khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Bản Mù (Yên Bái) 264mm, Nậm Xây (Lào Cai) 227mm, Hạnh Lâm (Nghệ An) 254mm, Thuần Thiện (Hà Tĩnh) 323mm, Tân Mỹ (Quảng Bình) 229mm.

4. Tin không khí lạnh tăng cường

Từ ngày 15/10, không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.

Gió Đông Bắc trong đất liền, ven biển cấp 3-4. Ở Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động mạnh.

II. THỦY VĂN

1. Mực nước lúc 07h/15/10 trên sông Hồng tại Hà Nội là 1,8m, trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,94m. Dự báo: Đến 07h/16/10, mực nước tại Hà Nội ở mức 1,78m; 19h/15/10, mực nước tại Phả Lại ở mức 0,76m.

2. Mực nước các sông khu vực Miền Trung và Tây Nguyên biến đổi chậm, dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.

3. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên theo triều. Mực nước cao nhất ngày 13/10 trên sông Tiền tại Tân Châu 2,22m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,06m. Dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 18/10 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,45m; tại Châu Đốc ở mức 2,35m.

III. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU, HỒ CHỨA

1. Tình hình đê điều

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về đê điều do bão số 8 gây ra; các địa phương tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình đê điều sau khi triều rút và sẵn sàng xử lý sự cố (nếu có).

2. Tình hình hồ chứa

a) Hồ thủy điện:

Hiện có 77 /219 hồ thủy điện nhỏ đang điều tiết qua tràn, trong đó Bắc Bộ 29, Bắc Trung Bộ 10 (môt số hồ xả lớn như Chi Khê 317/692m3, Nậm Pông 126/146m3), Đông Nam Bộ 04, Nam Trung Bộ 06, Tây Nguyên 28.

b) Hồ chứa thủy lợi

Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:

- Có 2.023/4.866 hồ đã đầy nước, trong đó: Thanh Hóa 385/610 hồ, Nghệ An 1029/1061 hồ, Hà Tĩnh 292/323 hồ.

- Có 204 hồ đang thi công, trong đó: Thanh Hóa 17, Nghệ An 29, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 10, Quảng Trị 13.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ngày 14/10/20, hoàn lưu bão số 8 làm:

- Nghệ An: sạt lở 02 vị trí tại Quốc lộ 16 (tại Km197+300 và Km198+500 huyện Quế Phong); ngập 03 vị trí tại quốc lộ 48E (ngập 0,75m tại tràn Đá Hàn Km39+400 xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu; ngập 0,5m tại tràn Km59+950 TT Nghĩa Đàn; ngập 0,80m tại tràn Km61+800 xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn).

Đối với các vị trí bị ngập đã được đơn vị quản lý đóng đường, trực đảm bảo an toàn giao thông.

- Hà Tĩnh: sạt lở 02 điểm trên quốc lộ 8A, huyện Hương Sơn (60m3 tại km29 và 1000m3 đất, đá tại km78+450); hư hỏng 300m đê kè chắn sóng xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh; sạt lở bờ sông Gát (nhánh sông Nghèn) dài 100m, rộng 3,5m xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Các vị trí sự cố giao thông đã được xử lý khắc phục thông đường.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Ngày 14/10, đoàn công tác do Bộ trưởng - Phó TBTT Ban Chỉ đạo QG về PCTT đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 8 tại tỉnh Hà Tĩnh.

- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT đã có văn bản số 471/VPTT ngày 14/10 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT &TKCN các tỉnh Nghệ An - Quảng Nam để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn.

2. Địa phương

- Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế đã có công điện, văn bản chỉ đạo, huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu bão số 8 và mưa lũ

- Các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chủ động các biện pháp ứng phó.

VI. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 và Công điện số 1337/CĐ-TTg ngày 12/10/2021, chỉ đạo của Văn phòng Thường trực tại Công văn số 471/VPTT ngày 14/10/2021, trong đó tập trung một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.

2. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, chia cắt. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

3. Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.

4. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo QGPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN khi có tình huống xảy ra./.

 

[1] Trực tổng hợp và 07 bộ phận trực: Trực điều hành liên hồ chứa; Trực đê điều; Trực Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai;Trực cung cấp thông tin thiên tai quốc tế; Trực cơ sở dữ liệu; Trực thông tin, truyền thông; Trực hành chính, văn thư, hậu cần.

 

Tải file tại đây