Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 13/02/2025



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 13/02/2025

 

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông

Hồi 01 giờ, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo diễn biến ATNĐ: Đến 13h/14/02, vị trí tâm ATNĐ ở 13,3 độ Vĩ Bắc, 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên; di chuyển hướng Tây Tây Nam, khoảng 5 km/h, suy yếu dần thành một vùng áp thấp; sức gió dưới cấp 6. Vùng nguy hiểm từ 12,5 đến 14,5 độ Vĩ Bắc; từ 110,0 đến 112,0 độ Kinh Đông;

RRTT cấp 3: Phía Tây khu vực Giữa Biển Đông; vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Ngày 14/02, vùng biển phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông; vùng biển ngoài khơi từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2-3,5m; vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-4,5m.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 14/02, vùng biển phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

3. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/12/02-19h/13/02): Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có  mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, cục bộ có nơi trên 70mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Tiên Hoàng (Lâm Đồng) 70mm; Minh Lập (Bình Phước) 88mm; Bến Cát (Bình Dương) 82mm; Long Thành (Đồng Nai) 175mm; Nhà Bè (Hồ Chí Minh) 126mm.

- Mưa đêm (19h/13/02-07h/14/02): Các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa.

- Mưa 3 ngày (19h/10/02-19h/13/02): Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 30-50mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: La Dạ 2 (Bình Thuận) 75mm; Tiên Hoàng (Lâm Đồng) 70mm; Minh Lập (Bình Phước) 127mm; Thủ Dầu Một (Bình Dương) 100mm; Long Thành (Đồng Nai) 177mm; Nhà Bè (Hồ Chí Minh) 160mm.

II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 06h30 ngày 14/02/2025, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.137 tàu/294.915 người biết diễn biến, hướng đi của ATNĐ để chủ động phòng tránh, cụ thể:

- Hoạt động tại khu vực vùng biển Quảng Ngãi đến Khánh Hòa: 158 tàu/1.224 người;

- Hoạt động tại khu vực khác: 10.489 tàu/65.065 người;

- Neo đậu tại các bến: 36.490 tàu/228.626 người;

Các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đã nhận được thông tin cảnh báo và đang di chuyển vòng tránh.

III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Dương mưa lớn đêm 12/02/2024 gây sạt lở, sụt lún cống và mặt đường tại phường Chánh Phú Hòa, thành phố Bến Cát làm 02 người bị thương và hư hỏng 02 xe mô tô.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nạn nhân đi cấp cứu và tổ chức rào chắn, đảm bảo an toàn khu vực sạt lở.

IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Ngày 07/02/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 03 Công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai, cụ thể:

+ Công điện số 949/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 12/02/2025 về việc ứng phó với ATNĐ trên biển Đông; văn bản số 936/BNN-ĐĐ ngày 11/02/2025 về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ;

+ Văn bản số 813/BNN-ĐĐ ngày 05/02/2025 về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển.

- Văn phòng Bộ Công an; Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã ban hành Công điện chỉ đạo các đơn vị triển khai ứng phó ATNĐ trên biển Đông.

- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h); theo dõi, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để chủ động phòng ngừa, ứng phó.

2. Địa phương

- Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển theo Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 813/BNN-ĐĐ ngày 05/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó 20 tỉnh, thành phố[1] đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó.

- Các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang chủ động ứng phó với ATNĐ trên biển Đông theo Công điện số 949/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 12/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó 11 tỉnh, thành phố[2] đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.

- Các địa phương tổ chức trực ban, chủ động theo dõi thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo để triển khai các biện pháp ứng phó.

V. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tiếp tục chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển theo Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 813/BNN-ĐĐ ngày 05/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và diễn biến thực tế tại địa phương để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

2. Các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang chủ động ứng phó với ATNĐ trên biển Đông theo Công điện số 949/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 12/02/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai./.

 

[1] Các tỉnh, TP: Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau.

[2] Các tỉnh, TP: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang.