Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 12/6/2023



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 12/6/2023

 

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin mưa lớn ở Bắc Bộ và Thanh Hoá

Từ ngày 13/6 đến hết đêm 14/6, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa 70-130mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm). Từ ngày 15/6 mưa lớn giảm dần; mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng còn kéo dài đến khoảng ngày 16-17/6.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

2. Tin thời tiết nguy hiểm trên biển

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam, ngày và đêm 13/6, ở vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Trong ngày và đêm 13/6, ở vùng biển khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,5m; biển động. Từ ngày 14/6 gió giảm dần.

3. Tin dự báo nắng nóng khu vực Trung Bộ

Ngày 13-14/6, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

4. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/11/6-19h/12/6): Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mưa, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nậm Tỵ (Hà Giang) 112mm, Ba Khe (Yên Bái) 79mm, Chiềng Pha (Sơn La) 75mm, Xuân Thủy  (Phú Thọ) 83mm, TĐ Suối Tráng (Hoà Bình) 77mm, Mường Lý (Thanh Hoá) 77mm, Na Loi (Nghệ An) 79mm, Gia An (Bình Thuận) 65mm, Bàu Hàm (Đồng Nai) 62mm.

- Mưa đêm (19h/12/6-07h/13/6): Khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Bắc Mê (Hà Giang) 156mm, Đồng Lạc (Bắc Kạn) 114mm, Yên Thổ (Cao Bằng) 133mm, Thượng Giáp (Tuyên Quang) 109mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 110mm, Thọ Sơn (Phú Thọ) 79mm.

- Mưa 3 ngày (19h/09/6-19h/12/6): Các khu vực trên cả nước có mưa phổ biến từ 40-80mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Nậm Tỵ (Hà Giang) 112mm, Tây Trang (Điện Biên) 95mm, Xuân Thủy  (Phú Thọ) 83mm, Na Loi (Nghệ An) 85mm, Đắk Hà (Kon Tum) 107mm, Lộc Thành (Lâm Đồng) 94mm, Bạc Liêu (Bạc Liêu) 82mm.

5. Tin động đất

Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, ngày 13/6 trên địa bàn huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 01 trận động đất vào hồi 0h33’ với độ lớn 3,1; độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.

II. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

1. Tỉnh An Giang: Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT&PTDS tỉnh, sáng ngày 12/6 trên địa bàn ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên đã xảy ra sạt lở bờ kênh Rạch Giá Long Xuyên với chiều dài 45m, gây nguy cơ ảnh hưởng 08 hộ dân.

2. Tỉnh Vĩnh Long: Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, sáng ngày 12/6 trên địa bàn ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn đã xảy ra sạt lở bờ sông Trà Ôn với chiều dài 40m, gây sạt lở 08 căn nhà và nguy cơ cao sạt lở 01 căn nhà.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền hai tỉnh đã tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, giăng dây cảnh báo, hạn chế người dân vào khu vực nguy hiểm.

III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT đã ban hành các công văn: số 203/VPTT ngày 07/6/2023 về việc chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển; số 204/VPTT ngày 08/6/2023 về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

2. Địa phương

- Các tỉnh, thành phố[1] đã chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với gió mạnh trên biển theo công văn số 203/VPTT ngày 07/06/2023.

- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn; thời tiết nguy hiểm trên biển, sạt lở bờ sông và nắng nóng.

IV. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn; thời tiết nguy hiểm trên biển, sạt lở bờ sông và nắng nóng để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó tiếp tục thực hiện theo công văn số 203/VPTT ngày 07/6/2023 của VPTT.

2. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

[1] 18 tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện (Hải Phòng; Thái Bình; Nam Định; Ninh Bình; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Khánh Hoà; Bình Thuận; Bà Rịa – Vũng Tàu; Tiền Giang; Bến Tre; Sóc Trăng; Cà Mau).

Tải file đính kèm tại đây