Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 11/10/2021



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 11/10/2021

 
   

 

 

 

Trên cơ sở báo cáo của các bộ phận trực[1], Văn phòng thường trực báo cáo công tác trực ban ngày 11/10 như sau:

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin bão khẩn cấp (Bão số 8 - Kompasu):

Đêm 11/10, bão Kompasu đã đi vào biển Đông. Hồi 07h ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 850km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Đến 07 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới từ vĩ tuyến 16,0 đến 22,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

2. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển:

Ngày và đêm 12/10, vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh cấp 6, riêng phía Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển 2-3m. Ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển 5-7m. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển 2-4m.

Cấp độ rủi ro do gió mạnh trên biển: cấp 2; riêng Bắc Biển Đông: cấp 3.

3. Tình hình mưa:

- Mưa ngày (từ 19h/10/10-19h/11/10): khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-150mm, tập trung chủ yếu vào đêm 10/10 và sáng ngày 11/10; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Tà Si Láng (Yên Bái) 274 mm, Làng Nhi (Yên Bái) 189 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 240 mm, Tân Minh (Phú Thọ) 175 mm,  Ba Vì (Hà Nội) 178 mm, Yên Hưng (Quảng Ninh): 190 mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng): 186 mm.

- Mưa đêm (từ 19h/11/10-07h/12/10): đêm 11/10, các tỉnh Bắc Bộ cơ bản đã hết mưa. Mưa xảy ra chủ yếu tại Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên, phổ biến từ 30-90mm, một số trạm có lượng mưa lớn như Chợ Tràng (Nghệ An): 114 mm, Hồ Cù Lây (Hà Tĩnh) 191 mm, Đậu Liêu (Hà Tĩnh) 159 mm, Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh): 138 mm, Ea Sin (Đắ Lắk) 109 mm; từ 04h/12/10 mưa đã có xu thế giảm.

- Mưa 3 ngày (từ 19h/07/10-19h/10/10): Khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Tà Si Láng (Yên Bái): 463 mm, Láng Nhi (Yên Bái): 347 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 323 mm, Yên Hưng (Quảng Ninh) 322 mm, Nâm Xay Luông 3 (Lào Cai) 318 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 316 mm, Tân Minh (Phú Thọ) 303 mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 270 mm.

Dự báo:

Ngày 12/10, từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm. Từ 12/10 đến 13/10, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 70-140mm, có nơi trên 180mm (mưa lớn tập trung vào chiều và tối).

II. VỀ TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN.

1. Về tàu cá:

- Đến 6h ngày 12/10, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 53.944 tàu/233.335 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó:

+ Hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa: 21 tàu/326 người (đã nắm được thông tin về bão và đang di chuyển phòng tránh).

+ Hoạt động ở vùng biển khác: 1.206 tàu/11.214 người.

+ Neo đậu tại các bến: 52.717 tàu/221.795 người.

- Tình hình cấm biển:

+ Các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế duy trì việc cấm biển.

+ Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền (chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực ngoài vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 8).

2. Về tàu vận tải:

Tính đến 6h00 ngày 12/10/2021, có 619 tàu thuyền đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, trong đó có 316 tàu biển và 303 phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ).

3. Về nuôi trồng thủy sản:

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 54.592 ha (nuôi nước mặn lợ: 12.303 ha, nuôi nước ngọt: 42.289 ha). Nuôi lồng/bè: 6.454 ô lồng. Số lượng lều/chòi canh nuôi nhuyễn thể: 401 lều/chòi.

III. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU, HỒ CHỨA

1. Về đê điều: hệ thống đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có tổng chiều dài 950 km (436 km đê biển, 514 km đê sông). Trong đó có 33 trọng điểm, vị trí xung yếu và 07 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công. Cần đặc biệt quan tâm đến những tuyến đê, kè trực diện biển hoặc đang thi công như: đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình; đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An.

Tình hình hồ chứa

a) Hồ thủy điện: lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tăng; Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường; trong đó có 75 hồ chứa trên các lưu vực đang xả tràn, 06 hồ thủy điện đã đầy như: Chi Khê; A Lưới; An Khê; Sê San 4A; Đồng Nai 2; Srok Phu Miêng.

b) Hồ chứa thủy lợi:

Khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: 1.874/3.048 hồ đã đầy nước (Hà Giang: 46/60 hồ; Tuyên Quang: 46/374 hồ;  Thái Nguyên: 26/198 hồ; Phú Thọ: 23/230 hồ; Quảng Ninh: 31/146 hồ; Ninh Bình: 40/46 hồ; Thanh Hóa: 370/610 hồ; Nghệ An: 1.031/1.061 hồ; Hà Tĩnh: 261/323 hồ).

Khu vực miền núi phía Bắc và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị: 197 hồ đang thi công (Hà Giang 14, Tuyên Quang 13, Yên Bái 7, Điện Biên 1, Bắc Cạn 5, Thái Nguyên 13, Lạng Sơn 13, Bắc Giang 10, Sơn La 2, Hòa Bình 22, Quảng Ninh 7, Ninh Bình 7, Thanh Hóa 17, Nghệ An 29, Hà Tĩnh 14, Quảng Bình 10, Quảng Trị 13).

IV. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Các tỉnh đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ đã thu hoạch 424.400/627.202 ha lúa mùa (đạt 67,66%), trong đó: đồng bằng sông Hồng: 280.500/477.631 ha (đạt 58,72%); Bắc Trung Bộ: 143.900/149.571 ha (đạt 96,21%).

V. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình và Bình Thuận, Lâm Đồng tính đến 06h/12/10, thiệt hại do mưa lũ như sau:

- Về người: 02 người chết tại Yên Bái (bé trai Thảo Anh Đức sinh năm 2019 do chị bế bị trượt tay làm rơi xuống suối hồi 14h40/10/10; anh Phàng A Pao sinh năm 1993 đi làm qua ngầm bị lũ cuốn trôi vào 07h10/11/10).

- Về nhà: 01 nhà bị sập 1 phần (Lâm Đồng); 04 nhà bị hư hại do sạt lở (Yên Bái: 01, Hòa Bình: 01, Lâm Đồng: 02); 01 điểm trường (Lào Cai) bị sạt lở gây hư hỏng công trình phụ.

- Về nông nghiệp: 353 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (Lào Cai 14,4ha; Bình Thuận 17,4ha; Ninh Bình 321,2ha).

- Về giao thông: 19 điểm đường giao thông bị sạt lở, trong đó: 01 điểm quốc lộ tại Lào Cai; 03 điểm tỉnh lộ (Lào Cai: 02, Hòa Bình: 01); 13 điểm liên xã (Lào Cai 3, Yên Bái 1, Hòa Bình 9); 02 điểm đường liên thôn tại Lâm Đồng. Đến 20h/11/10, các điểm sạt lở cơ bản đã được khắc phục để thông tuyến.

  - Công trình thủy lợi: Sạt lở cuối đường tràn hồ Trù Bụa và 20m kênh mương tại Hòa Bình.

VI. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương:

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có văn bản số 464/VPTT ngày 11/10/2021 gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc đề nghị triển khai các biện ứng phó với tình hình mưa, lũ.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các cơ quan liên quan ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.

- Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo điều hành ứng phó.

2. Địa phương:

- Các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; quản lý, kiểm soát tàu thuyền; kiểm tra công trình đê điều, hồ chứa, công trình xung yếu, đang thi công và triển khai các biện pháp thu hoạch, bảo vệ sản xuất.

- Các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi đã có công điện, văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ.

VII. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Triển khai thực hiện nội dung Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các công việc sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động ứng phó.

2. Tổ chức quản lý chặt chẽ, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền đảm bảo an toàn.

3. Tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản ven biển đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

4. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo vệ các vị trí đê điều, hồ đập xung yếu, đang thi công, vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

5. Tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch Covid-19

6. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo QGPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN khi có tình huống xảy ra./.

 

[1] Trực tổng hợp và 06 bộ phận trực: Trực điều hành liên hồ chứa; Trực đê điều; Trực cung cấp thông tin thiên tai quốc tế; Trực cơ sở dữ liệu; Trực thông tin, truyền thông; Trực hành chính, văn thư, hậu cần.

 

Tải file tại đây