
BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 11/4/2025
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin gió mùa Đông Bắc
Từ trưa ngày 12/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ,Bắc Trung Bộ và phía Bắc của Trung Trung Bộ. Trong đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật trên cấp 6.
Từ đêm 12/4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi Bắc Bộ có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 16-19 độ, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ; Bắc Trung Bộ phổ biến 17-20 độ.
2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển
Chiều và đêm ngày 12/4, khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng cao từ 2,0-3,0m; khu vực phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 1,5-3,0m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.
3. Tin dự báo mưa lớn khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình
Ngày và đêm 12/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 30–60 mm, có nơi trên 90 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>80mm/6h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; mưa lớn có thể gây ngập úng ở vùng trũng, lũ quét trên sông, suối nhỏ, và sạt lở đất ở khu vực đồi núi dốc.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.
4. Tin dự báo nắng nóng ở vùng núi phía Tây khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi
Ngày 12/4, ở vùng núi phía Tây khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
5. Tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ
Xu thế xâm nhập mặn ngày từ ngày 12-20/4 có xu thế giảm dần với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 45-60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 37-43km; sông Hàm Luông: 50-55km; sông Cổ Chiên: 40-45km; sông Hậu: 35-40km; sông Cái Lớn: 30-35km. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 04/2024, riêng một số trạm ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng có độ mặn cao hơn.
Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn: Cấp 2.
(Số liệu thực đo từ ngày 01-11/4/2025, chiều sâu ranh mặn 4g/l trên sông Hàm Luông tương đương năm 2024, các sông khác nhỏ hơn TBNN và năm 2024).
6. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/10/4-19h/11/4): Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Đắk Lao 2 (Đắk Nông) 44mm; Rạch Giá (Kiên Giang) 42mm.
- Mưa đêm (19h/11/4-07h/12/4): Khu vực Tây Nguyên rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Buôn Trấp (Đắk Lắk) 42mm; Chư Mố 2 (Gia Lai) 31mm.
- Mưa 3 ngày (19h/08/4-19h/11/4): Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 20-50mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Đăk Sin (Đắk Nông) 73mm; Sở Sao (Bình Dương) 56mm; Tràm Chim (Đồng Tháp) 61mm; Cửa Cạn (Kiên Giang) 135mm; An Thời (Kiên Giang) 97mm.
II. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo Báo cáo nhanh số 281/BCN-CCTL ngày 11/4/2025 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Dương mưa dông, lốc, xảy ra chiều tối ngày 10/4/2025 tại thành phố Tân Uyên và huyện Phú Giáo đã gây thiệt hại như sau: 01 người chết (Cháu Tống Thị Ngọc Nhã, sinh năm 2009 do mưa dông làm gãy cây xanh đổ vào người); 38 căn nhà bị tốc mái hư hỏng; 1,5ha cây cao su, cây ăn trái bị ảnh hưởng; 02 oto bị hư hỏng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 978/BNNMT-ĐĐ ngày 11/4/2025 về việc chủ động ứng phó với không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trên biển.
- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban (24/24h); theo dõi, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để chủ động phòng ngừa, ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên chủ động ứng phó với không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trên biển theo văn bản số 978/BNNMT-ĐĐ ngày 11/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong đó đã có 09 tỉnh, thành phố[1] đã ban hành văn bản chỉ đạo.
- 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
IV. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên chủ động ứng phó với với không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trên biển theo văn bản số 978/BNNMT-ĐĐ ngày 11/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
2. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./.
[1] Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định