Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 10/5/2022



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 10/5/2022

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT

  1. Tin mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ; cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ và Trung Bộ

Từ đêm 11-15/5, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm) với lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; ở đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Từ khoảng ngày 15-16/5 mưa dông có khả năng dịch chuyển  xuống khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá: Cấp 1.

  1. Tình hình mưa:

- Mưa ngày (từ 19h/09/5-19h/10/5): Khu vực Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Dương Huy (Quảng Ninh) 297mm;  Cẩm Phả (Quảng Ninh) 285mm; Bắc Sơn (Lạng Sơn) 225mm; Bình Gia (Lạng Sơn) 205mm; Đình Cả (Thái Nguyên) 198mm; Tân Sơn (Bắc Giang) 193mm.

- Mưa đêm (từ 19h/10/5-07h/11/5): Khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có mưa từ 20-50mm, một số trạm mưa lớn như: Minh Quang (Tuyên Quang) 61mm; Bắc Mê (Hà Giang) 45mm; Hoàng Anh (Gia Lai) 65mm; Ia Glai (Gia Lai) 53mm.

- Mưa 03 ngày (từ 19h/07/5-19h/10/5): Khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm; khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên mưa vừa phổ biến từ 40-70mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Dương Huy (Quảng Ninh) 297mm;  Cẩm Phả (Quảng Ninh) 294mm; Bắc Sơn (Lạng Sơn) 298mm; Bình Gia (Lạng Sơn) 274mm; Đình Cả (Thái Nguyên) 217mm; Thượng Quan (Bắc Kạn) 214mm.

II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN

  1. Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình: Mực nước các sông biến đổi chậm và dao động theo triều, lúc 07h/11/5 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,92m, trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 1,51m. Dự báo: đến 7h/12/5 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,65m; 19h/1 1/5 trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 0,2m.
  2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.
  3. Các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều. Mực nước cao nhất ngày 09/5 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,42m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,53m. Dự báo: mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục biến đổi theo triều. Đến ngày 14/5 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,35m, tại Châu Đốc ở mức 1,5m.

III. TIN ĐỘNG ĐẤT

Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, ngày 10/5/2022, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 02 trận động đất: Trận 01 có độ lớn 2,9 (lúc 09h10 tại tọa độ 14,908  độ vĩ Bắc, 108,244 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km); Trận 02 có độ lớn 2,9 (lúc 11h17’ tại tọa độ 14,889 độ vĩ Bắc, 108,168 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km).

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, từ ngày 09-10/5, mưa lớn, lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại như sau:

- Về người: 01 người chết do sạt lở đất vào nhà rạng sáng ngày 10/5 (bà Triệu Thị Lan, sinh năm 1982, tại huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn);

- Về nhà ở: 10 nhà sập đổ (Lạng Sơn 08; Bắc Giang 02); 309 nhà bị ngập, thiệt hại (Bắc Giang 52; Lạng Sơn 212; Quảng Ninh 39; Bắc Kạn 06);

- Về nông nghiệp: 1.847 ha lúa, hoa màu bị ngập (Thái Nguyên 72; Bắc Giang 200; Lạng Sơn 1.507; Bắc Kạn 50; Hà Giang 18); 300ha cây ăn quả bị ngập (Bắc Giang);

- Về giao thông: Ngập lụt, sạt lở một số tuyến đường giao thông các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

  1. Trung ương

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành Công điện số 02/CĐ-VPTT hồi 17h00 ngày 10/5 và văn bản số 250/VPTT ngày 10/5 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và các Bộ ngành chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

- Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 04/CĐ-V01 ngày 10/5/2022 chỉ đạo các đơn vị, công an các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

  1. Địa phương

- Các tỉnh triển khai ứng phó mưa lớn, lũ, sạt lở đất; tổ chức sơ tán 98 hộ dân bị ngập, nguy cơ sạt lở (Bắc Giang 50; Lạng Sơn 28; Quảng Ninh 20); tổ chức cắm biển cảnh báo, phân luồng giao thông tại ngầm tràn, đường ngập sâu, khắc phục sạt lở.

- Các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo các Sở ngành, địa phương ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

VI. CÔNG VIỆC TRIỂN KHAI TIẾP THEO

  1. Các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ thực hiện nghiêm túc Công điện số 02/CĐ-VPTT và văn bản số 250/VPTT ngày 10/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.

2. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN./.

tải file đính kèm