Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 07/11/2020



BÁO CÁO NHANH
Công tác trực ban ngày 07/1
1/2020

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin cuối cùng về cơn bão số 11 (cơn bão Atsani)

Hồi 19h ngày 07/11, áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 11 đã suy yếu thành vùng áp thấp sức gió dưới cấp 6, sau đó tiếp tục suy yếu và tan dần.  

2. Tin ATNĐ gần biển Đông

Hồi 01 giờ ngày 08/11, vị trí tâm ATNĐ trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin, gió cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây (20-25km/h) và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 09/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc; gió cấp 8, giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây (25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 10/11, bão cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 220km về phía Đông; gió cấp 8-9, giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 115,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Cấp độ RRTT: cấp 3.

3. Tin cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển

Ngày và đêm 08/11, ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 1,5-2,5m. Khu vực Bắc Biển Đông từ chiều nay có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, riêng phía Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và Bình Thuận đến Cà Mau gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,5-3,5m.

4. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/06/11 đến 19h/07/11): khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ rải rác có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 40-60mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Pờ Ê (Kon Tum) 97mm, Tà Long (Quảng Trị) 94mm, Thượng Sơn (Bình Định) 93mm, U Minh (Cà Mau) 87mm. 

- Mưa đêm (19h/07/11 đến 06h/08/11): Các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa, lượng mưa phổ dưới 10mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Núi Bà (Tây Ninh) 65mm, Nhà Bè (Hồ Chí Minh) 40mm, Phú Quốc (Kiên Giang) 30mm.

II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

1. Hồ chứa thủy lợi.

Theo báo của Tổng cục Thủy lợi, đến 17h ngày 7/11/2020, tình hình hồ chứa các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên như sau:

- 07 hồ đang xả tràn trong đó có một số hồ có lưu lượng xả lớn như: hồ Cửa Đạt 20m3/s (Thanh Hóa); Tả Trạch 115m3/s (Thừa Thiên Huế); Phú Ninh xả 60 m3/s (Quảng Nam); Cần Hậu 15 m3/s, Hòn Lập 5 m3/s (Bình Định); Đắk Uy xả 20 m3/s (Kon Tum); Ea Soup Thượng xả 40 m3/s, Krông Buk hạ xả 15 m3/s (Đắk Lắk).

- Khu vực Bắc Trung Bộ: 55 hồ hư hỏng; 41 hồ đang thi công.

- Khu vực Nam Trung Bộ: 26 hồ hư hỏng, 32 hồ đang thi công.

- Khu vực Tây Nguyên: 41 hồ hư hỏng; 43 hồ đang thi công.

2. Hồ chứa thủy điện.

Theo báo cáo của Bộ Công thương: Có 203 hồ cập nhật thông tin, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ giảm, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung tăng, các hồ vận hành bình thường:

- Khu vực Tây Nguyên: Có 20 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

- Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ: Có 17 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

* Đối với sự cố hồ Vĩnh Sơn 5:  Sáng 06/11, đã xảy ra mưa lớn làm sạt lở khu vực nhà máy và tràn vào nhà trạm biến áp 110KV. Hiện nhà máy đang ngừng hoạt động phát điện và mở toàn bộ các cửa xả; lưu lượng xả bằng lưu lượng đến và đã giảm. Hồ Định Bình ở hạ lưu hồ Vĩnh Sơn 5 hiện vẫn đang dưới MNDBT nên vẫn đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

III. CÔNG TÁC SƠ TÁN DÂN

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Bình Định đã tổ chức sơ tán dân tại các khu vực ngập lụt, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tổng số hộ đã thực hiện sơ tán đến ngày 07/11 là 2.574 hộ/9.778 người (Quảng Nam: 2.541 hộ/9.661 người; Bình Định 33 hộ/117 người).

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, mưa lớn xảy ra ngày 06/11/2020 trên địa bàn các tỉnh đã gây thiệt hại như sau:

1. Về người: 01 người chết tại Quảng Ngãi (Ông Nguyễn Tuân, sinh năm 1960, quê xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị lũ cuốn trong lúc cứu người ngày 06/11); 01 người mất tích (Ông Nguyễn Duy Thủy, thuyền trưởng tàu vận tải Thành Hưng 08 bị chìm ngày 06/11).

2. Về nhà: 22 nhà bị sập, cuốn trôi (Quảng Nam: 20 nhà do sạt lở bờ sông Xoan thuộc xã Trà Leng, khu vực đã bị sạt lở do bão số 10; Bình Định: 02 nhà do sạt lở đất).

3. Về giáo dục: 01 điểm trường bị hư hại tại Quảng Nam.

4. Về thủy lợi: 3.820m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 3.200m bờ sông bị sạt lở (Bình Định).

5. Về nông nghiệp: 150ha keo, 12ha cây ăn quả, 56ha hoa màu bị hư hại và 682 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi (Bình Định).

6. Về giao thông (bị ảnh hưởng từ bão số 10): một số điểm trên đường Hồ Chí Minh bị xói trôi, sạt lở taluy (Km1353+800-Km1354, Km1368+520, Km1415+265); hiện vẫn còn 5.630m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc tại Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY

1. Trung ương

- Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có văn bản số 177/TWPCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo có văn bản số 495/VPTT ngày 07/11/2020 gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận về việc ứng phó với ATNĐ gần Biển Đông.

- Ngày 07/11, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, tổ chức khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật, cung cấp các thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão gần biển Đông, mưa lũ và ngập lụt.

2. Địa phương

- Các địa phương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại; sẵn sàng ứng phó với ATNĐ.

- Đến 19h/7/11, cơ bản đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho tất cả các xã ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Tiếp tục triển khai thực hiện công văn số 177/TWPCTT ngày 07/11/2020 của Ban Chỉ đạo TWPCTT về đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên và công văn số 495/VPTT ngày 07/11/2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT về việc ứng phó với ANTĐ gần biển Đông, trong đó tập trung một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ. Thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

2. Kiểm tra, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

3. Vận hành công trình các hồ đập thủy lợi, thủy điện theo quy trình vận hành đã được phê duyệt, đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; trong đó tập trung giám sát thực hiện việc đưa dần mực nước về cao trình đón lũ và rà soát, kiểm tra việc cung cấp thông tin kịp thời cho hạ du trước khi xả lũ.

4. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

5. Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả mưa, bão; khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, đặc biệt là ở những nơi vẫn còn bị ảnh hưởng, chia cắt do sạt lở đất, lũ quét như ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

6. Kiểm tra rà soát, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nhất là các trang trại chăn nuôi tập trung.

7. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN./.