BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 06/5/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Hồi 01h/07/5, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc, 116,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 24h tới: ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 5-10km/h. Đến 01h ngày 08/5, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 12 độ Vĩ Bắc; 115 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 100km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, giật cấp 8. Đến 01h ngày 09/5, suy yếu thành vùng áp thấp.
Vùng nguy hiểm trong 24h tới: từ 10-13 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 114.
Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 cho phía Đông khu vực Giữa và Nam Biển Đông.
2. Tin gió mùa Đông Bắc
Ngày và đêm 08/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 22-25 độ, vùng núi có nơi dưới 22 độ.
Từ ngày 07-08/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. Từ ngày 08/5, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
3. Tin dự báo nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Ngày 07/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 40 độ; khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ; khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ. Từ ngày 08/5 nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
4. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/05/5-19h/06/5): Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa nhỏ hoặc không mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm. Riêng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận có nơi mưa to, một số trạm có lượng mưa lớn như: Thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận) 60mm, Đức Phú (Bình Thuận) 61mm.
- Mưa đêm (19h/06/5-07h/07/5): Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa nhỏ hoặc không mưa. Riêng các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai có nơi mưa to, một số trạm có lượng mưa lớn như: Đức Hạnh (Bình Thuận) 75mm, Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) 43mm, Sông Ray (Đồng Nai) 51mm.
- Mưa 3 ngày (19h/03/5-19h/06/5): Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa, tổng lượng mưa phổ biến dưới 40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận) 62mm, Đức Phú (Bình Thuận) 61mm, Thạch Mỹ (Lâm Đồng) 98mm, Hương Mỹ (Kiên Giang) 69mm.
II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 06h30 ngày 07/5, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 41.776 tàu/228.692 người biết diễn biến, hướng đi của ATNĐ để chủ động phòng tránh, cụ thể:
+ Hoạt động ở khu vực Giữa Biển đông và Trường Sa: 137 tàu/3.702 người. Trong đó, có 12 tàu (Quảng Ngãi) đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.
+ Hoạt động ở khu vực khác: 6.614 tàu/38.817 người.
+ Neo đậu tại các bến: 35.025 tàu/186.173 người.
III. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC NAM BỘ
- Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 45-55km.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 20-30km.
Dự báo: Từ nay đến 10/5, độ mặn tại hầu hết các trạm trên các sông Nam Bộ giảm chậm trong 2-3 ngày đầu, sau tăng chậm. Độ mặn lớn nhất trong tuần tới sẽ xuất hiện vào cuối tuần, và ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022; riêng trạm Sông Đốc nhỏ hơn năm 2022.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 2.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành Công điện số 01/CĐ-VPTT ngày 05/5 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang chủ động ứng phó với ATNĐ và công văn số 152/VPTT ngày 06/5 gửi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên về đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, tình hình thời tiết, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
2. Địa phương
- 20/20 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang đã ban hành Công điện, văn bản chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với ATNĐ.
- Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên chỉ đạo rà soát các tàu đang trong khu vực nguy hiểm, tổ chức kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 01/CĐ-QG ngày 05/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT chủ động ứng phó với ATNĐ.
2. Các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên triển khai công văn số 152/VPTT ngày 06/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT về đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
3. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ, nắng nóng và xâm nhập mặn.
4. Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Tải file đính kèm!