Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 03/11/2020





BÁO CÁO NHANH
Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 03/1
1/2020

 

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin bão khẩn cấp trên biển Đông (cơn bão số 10)

Hồi 04 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, di chuyển 10km/giờ. Đến 04 giờ ngày 05/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

2. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/02/11 đến 19h/03/11): Các tỉnh Trung Bộ rải rác có mưa nhỏ, mưa vừa (lượng mưa phổ biến dưới 10mm), một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Kim Sơn (Hà Tĩnh) 21mm, Lâm Thủy (Quảng Bình) 21mm, Hồ chứa nước Tà Long (Quảng Trị) 20mm, Hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế) 25mm, Ba Vinh (Quảng Ngãi) 33mm.

- Mưa đêm (19h/03/11 đến 07h/04/11): các khu vực trên cả nước rải rác có mưa nhỏ dưới 20mm, một số trạm lớn hơn: Đông Hải (Bạc Liêu) 29 mm; A Lưới (Thừa Thiên Huế) 29mm.

3. Tin cảnh báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên

Từ ngày 05 đến ngày 07/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Cấp 2.

II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN, TRỒNG TRỌT

1. Tàu thuyền

Theo báo cáo số 702/BC-CQTT của cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 16h ngày 03/11/2020:

- Đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện/232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

- Còn 10 phương tiện/80 lao động (Bình Định: 08 phương tiện/60 lao động; Tiền Giang 02 phương tiện/20 lao động) trong vùng nguy hiểm đã nhận thông tin và đang di chuyển tránh bão.

(Báo cáo 703/BC-CQTT ngày 04/11/2020 hiện không còn tàu nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm)

Theo báo cáo Bộ GTVT ngày 03/11/2020 ở khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 1.202 phương tiện vận tải đang neo đậu và tránh trú trong các vùng nước cảng biển (342 tàu biển; 860 phương tiện thủy nội địa). Bộ GTVT có công điện chỉ đạo các cảng vụ hàng hải giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trú tránh bão.

2. Nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản các tỉnh từ Quảng Ngãi - Khánh Hòa đã chỉ đạo gia cố, di dời và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn với bão:

- Số lồng bè: 175.253 lồng, bè, đặc biệt tại 02 tỉnh: Phú Yên (81.177), Khánh Hòa (91.225).

- Tổng diện tích: 11.967 ha, đặc biệt tại 02 tỉnh: Phú Yên (2.628), Khánh Hòa (3.779).

Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã có Công điện chỉ đạo, tổ chức các Đoàn kiểm tra, hướng dẫn gia cố, di dời. Phú Yên di chuyển, gia cố lồng bè trước 18 giờ ngày 04/11/2020; Khánh Hòa hoàn thành trong ngày 05/11.

3. Trồng trọt

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tình hình sản xuất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và Tây Nguyên:

- Lúa hè thu: cơ bản đã thu hoạch xong.

- Lúa mùa: đã thu hoạch 148.410ha, còn 110.904ha chưa thu hoạch (duyên hải Nam Trung Bộ 51.523ha, Tây Nguyên 59.381ha), trong đó, 45.949ha đã đến kỳ thu hoạch (duyên hải Nam Trung Bộ 10.504ha, Tây Nguyên 35.445ha).

Các tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh việc thu hoạch, phấn đấu hoàn thành trước khi bão đổ bộ.

III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Tình hình hồ chứa

a) Hồ chứa thủy lợi.

Theo báo của Tổng cục Thủy lợi, đến 17h ngày 3/11/2020, tình hình hồ chứa các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa như sau:

- Các hồ có cửa van đầy nước: 17 hồ (Nghệ An: 02 hồ, Hà Tĩnh: 02 hồ, Thừa Thiên Huế: 11 hồ, Quảng Nam: 02 hồ).

- Các hồ đang xả tràn: 08 hồ: hồ Kẻ Gỗ 100m3/s, Ngàn Trươi 145m3/s (Hà Tĩnh); Tả Trạch 321m3/s (Thừa Thiên Huế); Khe Tân 30m3/s, Thạch Bàn 15m3/s (Quảng Nam); Định Bình 272m3/s, Hòn Lập 6m3/s, Thuận Ninh 5m3/s (Bình Định).

- Khu vực Bắc Trung Bộ: 55 hồ hư hỏng; 41 hồ đang thi công.

- Khu vực Nam Trung Bộ: 26 hồ hư hỏng, 32 hồ đang thi công.

- Khu vực Tây Nguyên: 41 hồ hư hỏng; 43 hồ đang thi công.

b) Hồ chứa thủy điện.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Công thương ngày 4/11: Có 202 hồ cập nhật thông tin, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Đông Nam Bộ giảm, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung tăng, các hồ vận hành bình thường, cụ thể (lưu lượng xả/ lưu lượng về hồ (m3/s) các lưu vực sông bị ảnh hưởng bão số 9 như sau:

- Khu vực Tây Nguyên: 21 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Ialy: 77/477;Se san 3: 32/510; Se San 4a: 195/660;Ayun Thượng: 28/54; Ayun Trung: 20/55; H’chan: 33/60; H’Mun: 20/53; Ia Grai 1: 60/89; Ia Grai 2: 43/56; Ia Grai 3: 30/70; ĐăkSrông 3A: 269/385; ĐăkSrông 3B: 200/390; Đray Hlinh 1: 108/203; Krong Hnang: 6/33;  Bảo Lộc: 10/51; Pleikrong: 53/249; Đak Rtih 1: 15/68; Đak Rtih 2: 8/78; Đăk Sin 1: 6/17; Đăk Rung 1: 7/22;

- Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ: 13 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): Sông Tranh 2: 245/257; Sông Bung 2: 102/68; Sông Bung 4: 165/245;A Vương: 222/70; Đak Mi 4a: 239/128; Sông Bung 4A: 347/517; Sông Bung 5: 338/538; Sông Bung 6: 463/735; Đăk Pring:42/70; Za Hung: 42/96; Vĩnh Sơn A: 21/28; Vĩnh Sơn 5: 14/69; Sông Ba Hạ: 400/805.

2. Tình hình đê điều

Theo báo cáo nhanh số 444/BC-QLĐĐ ngày 03/11 của Vụ Quản lý đê điều, tổng sự cố đê, kè do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ là 11 sự cố (tăng 01 sự cố so với báo cáo ngày 02/11: đê Kênh Thấp, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (đê dưới cấp III) nứt dọc dài khoảng 10m, nước tràn qua đê khoảng 1,1km).

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠICÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CƠN BÃO SỐ 9

1. Tình hình thiệt hại do bão số 9 (tính đến 7h ngày 04/11/2020)

a) Về người

- Người chết, mất tích 83 người, trong đó:

+ Chết 39 người (tăng 06 người: Nghệ An 02, Quảng Nam 04 so với báo cáo ngày 02/11), cụ thể: Nghệ An 10; Quảng Nam 27 (Nam Trà My 17, Bắc Trà My 01, Phước Sơn 09); Gia Lai 01; Đắk Lắk 01.

- Mất tích: 44 người (giảm 04 người tại Quảng Nam so với báo cáo ngày 02/11), trong đó: Quảng Nam 20 (Nam Trà My 15, Phước Sơn 04, Hiệp Đức 01); Bình Định 23, Kon Tum 01.

 (Duy trì lực lượng 1.539 người và 71 phương tiện các loại giúp các địa phương tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả tại huyện Nam Trà My và Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, trong ngày đã tìm được thêm 04 thi thể tại Phước Sơn).

b) Giao thông

- Theo Báo cáo nhanh của Bộ Giao thông Vận Tải tính đến 22h ngày 3/11/2020 các tuyến Quốc lộ trong khu vực còn một số điểm sạt lở ách tắc giao thông, trong đó:

+ Quốc lộ 15 Quảng Bình: Tại Ngầm Bùng Km562+200 nước đã rút, giao thông bình thường.

+ Quốc lộ 12A: Tại vị trí Km136+950-Km137+450 sạt lở núi gây sụt trượt nền đường tắc đường từ 15h ngày 28/10/2020.

- Quốc lộ 9B: Đoạn Km79+00-Km83 có nhiều điểm sụt, lở gây tắc đường.

- Đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây): Đoạn Quảng Bình (Km0 - Km162); Đoạn từ Km30+530 - Km63+840 có 03 điểm sạt lở; tại Km74+240 sạt lở taluy dương (đã cho xe máy đi qua).

c) Ngập lụt: (tính đến 7h00 ngày 4/11) còn 310 hộ bị ngập tại Nghệ An (thành phố Vinh 10, bãi sông xã Hưng Lợi, Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên 300 hộ)

d) Khôi phục điện lưới: Đến ngày 04/11, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 164 xã (tăng 25 xã so với báo cáo ngày 02/11). Hiện còn 26 mất điện tại 02 tỉnh gồm: Quảng Nam 9, Quảng Ngãi 17.

e) Số nhà hư hỏng chưa khôi phục được: 252 nhà (Quảng Bình 200, Đà Nẵng 07, Bình Định 40, Kon Tum 05). Hiện người dân đang ở nhờ nhà người thân; riêng 18 hộ ở Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang ở nhà tạm do bộ đội dựng.

g) Trường học: Hiện các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã khắc phục các điểm trường bị thiệt hại và cho học sinh đi học bình thường.

h) Thị trường: Theo báo cáo của Bộ Công thương hiện nay việc hoạt động cung cấp, sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng tại các khu vực ảnh hưởng đã được khôi phục, không có biến động lớn.

V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO SỐ 10

1. Trung ương

- Ngày 03/11/2020, các Bộ: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công An, Công Thương đã có Công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 10 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

- Văn phòng Ủy Ban ƯPSCTT và TKCN có báo cáo số 548/BC-VP ngày 03/11/2020: lực lượng sẵn sàng ứng phó với báo số 10: 64.517 người (Bộ đội: 27.122; lực lượng dự bị động viên 11.393; Dân quân: 25.842, lực lượng khác 160); phương tiện: 1.718 (xe ôtô 922, xe đặc chủng 88, tàu 64, xuồng 633, máy bay 11).

- Tổng cục Thủy lợi có Công điện số 2075 /CĐ-TCTL-QLCT ngày 03/11/2020 chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình, chống ngập úng do ảnh hưởng bão số 10.

- Tổng cục Thủy sản có Công điện số 07/CĐ-TCTS-KN ngày 02/11/2020 chỉ đạo các Sở, Chi cục thủy sản thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận để đảm bảo an toàn.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương liên tục cập nhật các cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với mưa lũ, sau bão.

2. Địa phương

- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam có văn bản số 6459/UBND-KTN ngày 03/11/2020 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên có Công điện gửi các Sở ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ sau bão (Chủ tịch tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành, huyện, xã yêu cầu quán triệt các chủ tàu còn nằm trong vùng nguy hiểm thực hiện chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn, trường hợp vi phạm sẽ xử phạt nghiêm khắc, thực hiện cấm biển từ 17 giờ ngày 02/11; tỉnh Phú Yên cấm biển từ 9 giờ ngày 04/11/2020)

- Các địa phương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại; sẵn sàng ứng phó với bão.

VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 02/11/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN về chủ động ứng phó bão số 10.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ban hành kịp thời các ban tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất là đối với các khu vực đang tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…; thông báo kiểm soát tàu thuyền, đặc biệt là các tàu còn trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, vãng lai neo đậu ở các cửa sông, hướng dẫn neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn người và phương tiện.

3. Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản nhất là ở 02 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

4. Tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

5. Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng bão và mưa sau bão; khôi phục hệ thống điện, lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn.

6. Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua.

7. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tăng cường công tác trực ban, đôn đốc các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi báo cáo tình hình khắc phục hậu quả mưa, bão, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN./.

Tải file đính kèm tại đây