Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 01/4/2023



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 01/4/2023

 

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin nắng nóng ở khu vực Trung Bộ

Ngày 02/4 khu vực phía Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Tây khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có nắng nóng cục bộ. Từ ngày 03-05/4, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1

2. Tin mưa dông và cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực vùng núi Bắc Bộ; Tây Nguyên và phía Tây khu vực Trung Trung Bộ

Ngày và đêm 02/4, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Tây Nguyên và phía Tây khu vực Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa vừa, mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

3. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/31/3-19h/01/4): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thanh (Quảng Trị) 47mm; Tân Long (Quảng Trị) 40mm; Khu bảo tồn Nâm Nung, Nâm N’Jang (Đắk Nông) 46mm; Đạ K’Nàng-Đan Rông (Lâm Đồng) 43mm.

- Mưa đêm (19h/01/4-07h/02/4): Khu vực miền núi phía Bắc rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm; riêng tại Bản Hồ 1 (Lào Cai) 27mm; Võ Lao (Lào Cai) 27mm.

- Mưa 3 ngày (19h/29/3-19h/01/4): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa, mưa vừa, tổng lượng mưa phổ biến dưới 50mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Đắc Tô (Kon Tum) 65mm; Ngọc Réo (Kon Tum) 81mm; Nghĩa Thắng, Đăk R’lấp (Đắk Nông) 53mm; Lạc Dương (Lâm Đồng) 55mm; Bến Tre (Kiên Giang) 105mm.

II. TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN KHU VỰC NAM BỘ

- Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 50-55km.

- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu từ 35-45km.

Dự báo: Từ nay đến 10/4/2023, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng dần đạt mức cao nhất vào giữa tuần, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 4/2022.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn: Cấp 1-2.

III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ

1. Trung ương

Văn phòng thường trực tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

2. Địa phương

Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và xâm nhập mặn.

IV. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

2. Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.