BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 01/4/2022
I. TIN GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC VÀ MƯA LỚN Ở TRUNG BỘ
1. Tin gió mùa Đông Bắc:
Ngày 02/4, do ảnh hưởng của không khí lạnh, vùng ven biển có gió cấp 4-5, có nơi giật cấp 6-7; vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-4,5m. Khu vực Bắc biển Đông gió cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Cà Mau gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5m. Cấp độ RRTT cấp 2.
2. Tin mưa lớn ở Trung Bộ:
Ngày và đêm 02/4, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ RRTT cấp 1.
II. TÌNH HÌNH MƯA
1. Mưa ngày (từ 19h/30/3-19h/31/3): Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có lượng mưa từ 150-300mm; các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa mưa 50-150mm, một số trạm mưa lớn như: Hải Lâm (Quảng Trị) 295mm; Tà Long (Quảng Trị) 271mm; Khe Tre (T.T.Huế) 319mm; A Lưới (T.T.Huế) 254mm; Hòa Phú Thành (Đà Nẵng) 319mm; Duy Trung (Quảng Nam) 281mm.
2. Mưa đêm (từ 19h/01/4-07h/02/4): Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Nam mưa 100-200mm, Quảng Trị mưa 50-100mm; một số trạm mưa lớn: Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) 90mm, Lộc Tiến (TT.Huế) 327mm, Giang Hải (TT.Huế) 327mm, Hòa Hải (Đà Nẵng) 215mm, Vĩnh Điện (Quảng Nam) 207mm.
3. Mưa đợt (từ 19h/30/3-07h/02/4): Các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi mưa từ 200-500mm; từ Bình Định – Khánh Hòa và Quảng Bình từ 150-300m; một số trạm mưa lớn như: Hải Lâm (Quảng Trị) 449mm; Khe Tre (T.T.Huế) 764mm; A Lưới (T.T.Huế) 545mm; Hòa Phú Thành (Đà Nẵng) 491mm; Điện Hồng (Quảng Nam) 495mm; Hà Thanh (Quảng Nam) 478mm; Trà Phú (Quãng Ngãi) 381mm; Mỹ Thọ (Bình Định) 348mm; Sơn Nguyên (Phú Yên) 274mm, Hoa Sơn (Khánh Hòa) 275mm.
III. TÌNH HÌNH LŨ VÀ NGẬP LỤT
Lũ trên các sông Quảng Bình – Thừa Thiên Huế đã đạt đỉnh trong đêm 01/4 và đang xuống, rạng sáng 02/4 ở mức BĐ1 - BĐ2, riêng sông Bồ (TT.Huế) trên BĐ2; đỉnh lũ cụ thể như sau:
- Sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy là 1,97m (23h/01/4), dưới BĐ2 0,03m.
- Sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tại Thạch Hãn là 4,15m (23h/01/4), dưới BĐ2 0,35m.
- Sông Bồ (TT.Huế) tại Phú Ốc là 3,03m (01h/02/4), trên BĐ2 0,03m; trên sông Hương tại Kim Long là 1,3m (01h/02/4), trên BĐ1 0,3m.
Các sông khác từ Quảng Nam - Phú Yên dưới BĐ1.
Ngập lụt xảy ra cục bộ khu vực ven sông tại 04 xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; vùng trũng, thấp thuộc các huyện Phú Vang, Hương Điền, Quảng Điền, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; một số xã thuộc các quận, huyện Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
IV. HỒ CHỨA
- Lưu vực sông Hương: Hồ Hương Điền dung tích đạt 98%, tăng 4% (hiện đang điều tiết xả 260 m3/s, lưu lượng xả lớn nhất trong ngày 01/4 là 800 m3/s); hồ Bình Điền dung tích đạt 76%, tăng 5%; A Lưới 100%; hồ Tả Trạch dung tích đạt 91%, tăng 5%.
- Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn: Hồ Sông Tranh 2 dung tích đạt 90%, tăng 2%; hồ A Vương dung tích đạt 87%, tăng 4%; hồ Đăk Mi 4 dung tích đạt 92%, tăng 1%; hồ Sông Bung 4 dung tích đạt 95%, tăng 4%.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
- Sáng ngày 01/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với 07 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hoà chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, dông lốc, gió mạnh trên biển khu vực miền Trung.
- Ngày 01/4/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại khu vực miền Trung.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã có 03 văn bản chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ứng phó với mưa lớn, lũ, lốc, sét, gió mạnh trên biển, cụ thể: văn bản số 167/VPTT ngày 28/3/2022; văn bản số 171/VPTT ngày 30/3/2022; văn bản số 176/VPTT ngày 31/3/2022.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động triển khai ứng phó; hướng dẫn cách phòng, chống thiên tai đến người dân, cộng đồng.
- Tổ chức nhắn tin qua hệ thống Zalo của Ban Chỉ đạo đến trên 8,5 triệu thuê bao khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
2. Địa phương:
- Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng phó theo chỉ đạo tại các văn bản của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo QG về PCTT.
- Tỉnh Quảng Trị tổ chức gia cố đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng và sẵn sàng phương án sơ tán 4.914 hộ/15.679 người nếu tiếp tục mưa lớn trong ngày 02/4/2022.
- Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm ngập lụt hạ du.
- Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạo cấm biển và tổ chức sắp xếp lồng bè, tàu thuyền neo đậu.
- Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa huy động lực lượng trục vớt tàu thuyền (Phú Yên: 80 tàu; Khánh Hòa: 32 tàu).
VI. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo của Văn phòng TT BCH PCTT và TKCN các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, cập nhật đến 6h00 ngày 02/4, mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển đã gây thiệt hại như sau:
1. Về người: 02 người chết (01 Phú Yên do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn; 01 Quảng Nam do di chuyển máy xúc qua ngầm tràn bị lũ cuốn trôi); 01 người mất tích (Phú Yên do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn); 04 người bị thương do dông lốc (T.T.Huế);
2. Về nhà ở: 02 nhà sập đổ (Phú Yên), 38 nhà tốc mái, hư hỏng (Quảng Trị: 01; T.T.Huế 27; Phú Yên 10);
3. Về thủy sản: 261 ghe, thuyền chìm, hư hỏng (T.T.Huế 07; Bình Định 77; Phú Yên 117; Khánh Hòa 60); 2.480 lồng bè tôm hùm thiệt hại (Phú Yên); 200ha bị ảnh hưởng (Quảng Nam);
4. Về giao thông: 06 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông (Thừa Thiên Huế: 01 điểm; Đà Nẵng: 02 điểm; Quảng Nam: 03 điểm);
5. Về nông nghiệp: 54.430 ha lúa bị ngập, đổ (Quảng Bình: 1.000ha; Quảng Trị: 2.986ha; Đà Nẵng: 280ha; Quảng Nam: 12.214; TT.Huế: 1.729ha; Quảng Ngãi: 5.173ha; Bình Định: 14.973ha; Phú Yên: 15.719ha; Khánh Hòa: 357ha); 7.114 ha hoa màu ngập (Quảng Trị: 289ha; T.T.Huế: 24ha; Đà Nẵng: 74ha; Quảng Nam: 5.095ha; Quãng Ngãi: 762ha; Bình Định 578ha; Phú Yên: 292ha). Đến sáng 02/4, nước đang rút, các địa phương đang tiếp tục cập nhật.
VII. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
2. Khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, trong đó tập trung trục vớt, sửa chữa tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; tổ chức tiêu nước đệm, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy.
3. Tổ chức thường trực tại các hồ chứa; chủ động điều tiết nước, hạn chế xả để hỗ trợ thu hoạch lúa dưới hạ du.
4. Tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
5. Rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
6. Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
7. Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và Văn phòng UBQG ƯPSC,TT&TKCN./.
Tải file đính kèm