BÁO CÁO NHANH
Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 01/12/2020
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THỦY VĂN
1. Tình hình mưa
- Mưa ngày (từ 19h/30/11 đến 19h/01/12): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, phổ biến từ 70-120mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Hồ Thủy Yên (T.T.Huế) 379mm; Tam trà (Quảng Nam) 253mm; Trà Kót (Quảng Nam) 234mm; TĐ Sông Tranh 3 (Quảng Ngãi) 242mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 184mm; Hồ Am Chúa (Khánh Hòa) 218mm; Pờ Ê (Kon Tum) 189mm; M DLAK (Đắk Lắk) 210mm; Ea M’doan (Đắk Lắk) 189mm.
- Mưa đêm (từ 19h/01/12 đến 07h/02/12): Các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ, mưa vừa, phổ biến dưới 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hồ nước Truồi (T.T.Huế) 73mm; Phước Hiệp (Quảng Nam) 47mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 49mm; An Nghĩa (Bình Định) 40mm; Pờ Ê (Kon Tum) 35mm.
- Mưa 03 ngày (từ 19h/28/11 đến 19h/01/12): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hồ Thủy Yên (T.T.Huế) 877mm; Lộc Tiến (T.T.Huế) 741mm; Tam Trà (Quảng Nam) 986mm; Trà Kót (Quảng Nam) 886mm; TĐ Sông Tranh 3 (Quảng Ngãi) 929mm; Hồ Am Chúa (Khánh Hòa) 820mm; Pờ Ê (Kon Tum) 577mm; M DLAK (Đắk Lắk) 599mm; Ea M’doan (Đắk Lắk) 553mm.
2. Tin lũ khẩn cấp trên sông Krông Ana (Đắk Lắk), tin lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên
Trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Krông Ana tiếp tục lên; các sông ở Thừa Thiên Huế dao động theo điều tiết của hồ chứa; các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tiếp tục xuống. Trưa đến chiều ngày 02/12, mực nước trên các sông như sau:
- Trên sông Krông Ana tại Giang Sơn lên mức là 425,2m, trên BĐ3 1,2m.
- Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa và Thu Bồn tại Câu Lâu xuống dao động mức BĐ2;
- Mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Dinh Ninh Hòa ở mức BĐ1-BĐ2.
3. Tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và Tây Nguyên
Dự báo: Các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10-20mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo: Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Rủi ro thiên tai: cấp 2.
4. Cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển
Ngày và đêm 02/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 5, từ gần sáng và ngày 03/12 gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA
Các hồ chứa thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Kôn – Hà Thanh, Trà Khúc dưới MNDBT. Hiện mực nước trên sông Krong Ana (Đắk Lắk) tại Giang Sơn đang vượt mức BĐ3, cần lưu ý việc vận hành các hồ: Buôn Tua Srah (lúc 7h/02/12, Htl/MNDBT - Qvề/Qxả: 487,43/487,50 - 313/313) và Buôn Kốp (lúc 7h/02/12, Htl/MNDBT-Qvề/Qxả: 411,98/412 - 575/563).
Các đơn vị tư vấn kiến nghị giữ nguyên hiện trạng vận hành và tiếp tục theo dõi đến 13h/02/12.
III. TÌNH HÌNH DI DÂN
Tổng số: 1.468 hộ/5.674 người di dời khỏi khu vực bị ngập lụt, sạt lở trong đó: Quảng Nam: 441 hộ/1.993 người; Quảng Ngãi: 289 hộ/1.062 người; Khánh Hòa: 726 hộ/2.574; Đắk Lắk: 12 hộ/45 người.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ Đạo Trung ương về PCTT tiếp tục đôn đốc Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên thực hiện nghiêm túc Công văn số 533/VPTT ngày 27/11/2020 để chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị; Công văn số 542/VPTT ngày 01/12/2020 tới Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ về tăng cường các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ; ngày chuyển các bản tin KTTV tới các địa phương (qua fax, email, Zalo) để chủ động phòng tránh.
Sáng 01/12, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Chi cục Thủy lợi và các cơ quan liên quan tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Thuế.
2. Địa phương
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức huy động lực lượng tìm kiếm thành công 52 người (45 du khách và 07 người dân địa phương dẫn đường đi leo núi từ 28/11 bị kẹt ở Trại bò xã Thành Sơn do mưa lớn, lũ lên nhanh đã đã được đưa về nơi an toàn (UBND xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn).
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã cho 279.600 học sinh và 537 điểm trường nghỉ học từ 29/11 đến hết 01/12/2020.
- Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi các Sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ.
V. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo nhanh của của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắk Lắk về tình hình thiệt hại do mưa lớn diện rộng và lũ từ ngày 29/11-01/12/2020, như sau:
- Về người: 04 người chết do lũ cuốn (Khánh Hòa: 03 người (Nguyễn Ngọc Duy (1985), Nguyễn Ngọc Thanh Nhã (2012), Nguyễn Ngọc Thanh Trúc (2009) xã Vĩnh Lương, T.p Nha Trang); Lâm Đồng: 01 người (Lê Thị Quỳnh Trang (1992) bị lũ cuốn)); 02 người mất tích do lũ cuốn (Khánh Hòa: 01 người; Lâm Đồng: 01 người)
- Về nhà: 08 nhà bị hư hỏng nặng (Khánh Hòa: 01; Đắk Lắk: 08), 180 nhà bị ngập lụt (Đắk Lắk).
- Về nông nghiệp: 746 ha lúa bị thiệt hại (Đắk Lắk).
- Về giao thông: nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc giao thông: Quảng Nam (đường Trường Sơn Đông đoạn qua Quảng Nam; Quốc Lộ 40B, đoạn qua huyện Bắc Trà My; đường tỉnh ĐT 611, 615, 617); Quảng Ngãi (sạt lở 2000m3 tuyến ĐH 67, QL 24 - Ba Giang); Đắk Lắk (Sạt lở Km53+400 QL26, đoạn qua đèo M’Đrắk, sụt lún đoạn đường dài 50 m, sâu 10 m, rộng 12 m); Khánh Hòa (sạt lở quốc lộ 27c, 1c và một số tuyến đường tỉnh).
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích, di dời hộ dân khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn, tổ chức khắc khắc phục hậu quả; tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.
VI. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
- Các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng tiếp tục huy động lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích, sẵn sàng lực lượng cứu hộ cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.
- Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và truyền thông rà soát công tác quản lý lữ hành, có biện pháp kiểm soát du khách đi du lịch tự do, hướng dẫn để du khách không đi vào hoặc di chuyển ra khỏi khu vực có thể gặp nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ.
- Tăng cường công tác truyền thông về tình hình mưa lũ trên địa bàn và kiểm soát, hạn chế người dân đi vào các khu vực không đảm bảo an toàn khi dễ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn tại các khu vực có nguy cơ cao.
- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại công văn số 533/VPTT ngày 27/11 và 542/VPTT ngày 01/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
- Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó SCTT và TKCN./.
Tài file đính kèm