Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban ngày 10/11/2020



 

BÁO CÁO NHANH
 Công tác trực ban ngày 10/11/2020


 

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

  1. Tin cuối cùng về cơn bão số 12 và diễn biến bão VAMCO

- Bão số 12: đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận vào lúc 10h00 ngày 10/11 với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sau đó suy yếu thành ATNĐ trên khu vực Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 và tan dần.

- Bão VAMCO: Hồi 07h/11/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 124,5 độ Kinh Đông, cách phía Nam đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 07h/12/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

  1. Tin lũ khẩn cấp trên các sông ở Quảng Ngãi, sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh (Khánh Hòa) và sông Ba (Gia Lai); tin lũ khẩn cấp trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên

Lũ trên sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh, sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) đã đạt đỉnh và đang xuống, đỉnh lũ trên các sông như sau:

- Trên sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 11,95m (22h/10/11), trên BĐ3 2,45m;

- Trên sông Dinh tại Ninh Hòa là 5,96m (21h/10/11), trên BĐ3 0,26m.

Lũ trên các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đang lên (Chi tiết số liệu mực nước thực đo lúc 05h/11/11 tại Phụ lục kèm theo).

 Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, lũ trên sông Vệ tại Sông Vệ có khả năng đạt đỉnh ở mức 5,7m, trên BĐ3 1,2m; trên sông Ba tại Ayunpa ở mức 157,3m, trên BĐ3 1,3m, sau xuống.

Trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ trên trên sông Ba tại Ayunpa, sông Vệ, sông Kỳ Lộ, sông Dinh tiếp tục xuống; lũ trên các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên tiếp tục lên (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên và tình trạng ngập lụt sâu diện rộng diễn ra ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.

Từ nay đến 13/11, lũ trên các sông mở rộng ra các tỉnh ở Quảng Bình, Quảng Trị.

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 3.

  1. Tin cảnh báo mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên biển

Ngày và đêm 11/11, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh, gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-5,0m.

4. Tình hình mưa:

Mưa ngày (từ 19h/09/11 đến 19h/10/11): các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa có mưa rất to, phổ biến 100-400mm (Chi tiết có Phụ lục kèm theo).

Mưa đêm (từ 19h/10/11 đến 06h/11/11): Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, phổ biến 50-100mm (Chi tiết có Phụ lục kèm theo).

Dự báo: Từ nay đến ngày 12/11, các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm.

II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, NGẬP LỤT

  1. Tình hình hồ chứa thủy lợi

Theo báo của Tổng cục Thủy lợi, đến 17h ngày 10/11/2020, tình hình hồ chứa các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên như sau:

- Khu vực Bắc Trung Bộ: Các hồ trong khu vực cơ bản tích đủ nước.

- Khu vực Nam Trung Bộ: Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và tỉnh Bình Thuận đạt 71-94% dung tích thiết kế, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận tích từ 43-73% DTTK.

- Khu vực Tây Nguyên: Các hồ chứa trong khu vực đã cơ bản đầy nước, dung tích trung bình 89-96% DTTK.

  1. Tình hình hồ chứa thủy điện:

Theo báo cáo của Bộ Công thương, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ giảm, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành cụ thể:

- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 07 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

- Khu vực Tây Nguyên: Có 26 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

- Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ: Có 18 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.

3. Tình hình ngập lụt:

- Bình Định: Hiện vẫn còn ngập tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú thuộc thành phố Quy Nhơn. Địa phương đã bố trí công an đang chốt chặn tại một số điểm giao thông bị chia cắt.

- Phú Yên: Một số khu vực trũng thấp trên địa bàn huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu đang bị ngập từ 0,5-2,0m (huyện Đồng Xuân: 509 nhà; huyện Tuy An: 11.653 nhà).

- Đăk Lăk: Ngập lụt xảy ra tại trên 15 xã thuộc các huyện M’Đrăk, Lắk, Krông Bông, Krông Năng, Ea Kar. Trong đó có hơn 6.000 dân thuộc huyện M’Đrăk bị cô lập, chia cắt, đến nay nước đã rút.

III. CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 12 VÀ MƯA LŨ SAU BÃO

  1. Trung ương

- Sáng ngày 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo TWPCTT đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 12 và bão VAMCO gần biển Đông.

- Ngày 10/11, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã tổ chức họp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất sau lũ.

- Ngày 10/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo TWPCTT đã tổ chức Đoàn công tác phối hợp với địa phương khắc phục sạt lở đất, lũ quét tại tỉnh Quảng Ngãi.

          - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật, cung cấp các thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, mưa lũ và ngập lụt.

  1. Địa phương

- Các địa phương đã tổ chức các đoàn công tác, huy động lực lượng ứng phó với bão và tình hình mưa lũ sau bão; rà soát, thống kê thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả.

- Đã tổ chức di dời, sơ tán 4.059  hộ/ 13.923 người khỏi các khu vực nguy hiểm (Phú Yên 1.990 hộ/ 6.139 người; Khánh Hòa 996 hộ/3.496 người, Bình Định 1.073 hộ/4.288 người). Hiện các hộ dân vẫn ở tại khu vực sơ tán để đảm bảo an toàn.

- Các địa phương tổ chức, duy trì lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, khu vực đã và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở.

- Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 10/11/2020. Đến ngày 11/11, học sinh tại các huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn.

IV. THIỆT HẠI BAN ĐẦU

Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại ban đầu do bão số 12 và mưa lũ tính đến 21h00 ngày 11/10/2020 như sau:

  1. Về người:

- Người chết: 02 người chết (Bà Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1978, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị chết do sạt lở núi vào nhà và ông Trương Văn Liêm, 57 tuổi, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị chết do bị ngã khi chằng chống nhà cửa chống bão).

- Người mất tích: 01 người tại Phú Yên (ông Hồ Ngọc Bưng, 35 tuổi, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa bị trượt chân ngã xuống sông và bị lũ cuốn trôi).

- Người bị thương: 05 người (Bình Định: 01, Phú Yên: 01, Khánh Hòa: 03).

  1. Về n:

- Nhà sập: 05 nhà (Khánh Hòa).

- Nhà tốc mái, hư hỏng: 308 nhà (Bình Định: 07, Phú Yên: 08, Khánh Hòa: 293).

3. Giao thông:

- Tàu SE2 Bắc-Nam tạm dừng tại K1233+650 (tỉnh Khánh Hòa) do đường sắt bị ngập.

- QL 19C đoạn qua xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, Phú Yên ngập 0,8m gây ách tắc giao thông.

4. Về điện lực:

- Tỉnh Khánh Hòa: mất điện trên địa bàn 06 xã thuộc huyện Vạn Ninh; toàn huyện Khánh Vĩnh; 02 xã thuộc thị xã Ninh Hòa.

- Tỉnh Phú Yên: 55/110 xã bị mất điện.

  1. Về chăn nuôi: 1.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi (tỉnh Phú Yên).

6. Về tàu thuyền: 01 tàu cá bị chìm khi neo đậu (tỉnh Khánh Hòa).

7. Về cây trồng: 1.745 ha lúa bị ngập, hư hỏng (Khánh Hòa).

V. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO:

- Quản lý chặt chẽ tàu thuyền, thông tin về diễn biến bão VAMCO gần biển Đông để chủ động phòng, tránh.

- Tiếp tục duy trì lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, khu vực đã và đang có nguy cơ xảy ra sạt lở.

- Chủ động tổ chức sơ tán dân tại các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu.

- Tăng cường cảnh báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở.

- Tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.

- Duy trì công tác thường trực trực ban, theo dõi sát diễn biến mưa lũ và bão gần biển Đông./.

Tải file