Skip Ribbon Commands
Skip to main content

20 năm lũ lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học còn mãi: Kỳ 3 Những bài học đắt giá

Nói về một trong những bài học lớn nhất rút ra từ trận lũ lụt năm 1999, ông Nguyễn Văn Mễ nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những người trực tiếp chỉ đạo xử lý tình huống khẩn cấp tại địa phương khi ấy - cho rằng, đó là bài học tự quản tại chỗ


Nhắc đến trận lũ lụt 1999, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thất thường về cường độ mưa khi ấy trăm năm chỉ có một.

“Mưa xối xả, nước dâng nhanh không kịp trở tay. Các khu dân cư nhanh chóng bị cô lập. Giao thông bị lũ phá hủy gây chia cắt. Liên lạc hoàn toàn đứt đoạn. Khi ấy, chỉ còn kịch bản “4 tại chỗ”. Phối hợp tổ chức tốt các lực lượng - phương tiện tại chỗ và tinh thần tương thân tương ái của người dân là giải pháp tối ưu trong tình hình nguy cấp”, ông Mễ đúc kết.

Một trong những điều kỳ diệu nhất trong trận lũ lụt 1999 chính là tinh thần tự quản tại chỗ và truyền thống cố kết giúp nhau của người dân. Đó là yếu tố giúp giảm thiểu thương vong khi mưa lũ càn quét. Đây cũng là bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng.

Chỉ với một chiếc thuyền nhỏ, có người đã cứu được hàng chục, hàng trăm người dân. Chỉ với một cây rựa, một thầy giáo trẻ đã cứu được trên 50 học sinh mắc kẹt. Những ngôi nhà cao tầng ở các huyện vùng trũng Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy… trở thành nơi tránh trú an toàn của nhiều hộ dân khi nhiều vùng bị cô lập, nước bao phủ.

Khi lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận, người dân tại chỗ, nơi không bị ngập, đã chủ động làm cơm vắt, cung cấp bánh mỳ, nước uống để tiếp tế, chia sẻ cho cư dân bị ngập, cho bệnh nhân đang điều trị ở nhiều bệnh viện và trung tâm y tế.

Trận lũ lịch sử năm 1999 tàn phá nặng nề, khiến 373 người chết. Nhưng theo ông Mễ, nếu không có yếu tố chủ động tại chỗ, con số thương vong trong trận lũ sẽ không dừng lại ở đó.

Từ kinh nghiệm rút ra sau “đại hồng thủy” năm 1999, chúng ta sẽ làm gì để giảm thiểu thiệt hại nếu một trận lũ tương tự xảy ra?

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định: Đến nay, nhận thức cộng đồng đã được  nâng cao qua thực tiễn; qua các dự án, pháp lệnh phòng chống thiên tai. Kịch bản biến đổi khí hậu đã được tỉnh xây dựng và cập nhật. Các phương án ứng phó thích nghi được thiết lập và tính toán kỹ lưỡng... Tất cả kế hoạch đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu hậu quả thiên tai.

Một trong những bất lợi trong trận lũ năm 1999 là dấu hiệu thời tiết bất thường, tổng hợp các hình thái thiên tai trong khi công tác dự báo không theo kịp. Chính việc không lường trước được khiến kịch bản phòng chống bão lụt trước đó đều bị động.

Sau 20 năm, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh nhận xét, việc áp dụng công nghệ hiện đại 4.0 phục vụ quan trắc, cảnh báo và dự báo hiện nay cho phép đưa ra những thông tin sớm và độ tin cậy cao hơn giúp chúng ta chủ động, ứng phó tốt hơn với thiên tai.

Ngay sau lũ, công tác trồng rừng, xây dựng các hồ chứa thủy lợi được trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, xem đây là một trong những giải pháp góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai từ gốc.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có tỷ lệ che phủ rừng từ 43% năm 1999 lên 57,3% năm 2018 và phấn đấu tăng lên 60% trong thời gian tới. Năm năm gần đây, hàng trăm ha rừng ngập mặn cũng đã được trồng ở các vùng trọng điểm ven hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Rừng ngập mặn Rú Chá (Hương Phong, Hương Trà) góp phần bảo vệ môi trường

20 năm qua, nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai cũng đã ra đời, góp phần điều tiết nước phục vụ sản xuất và làm nhiệm vụ cắt lũ.

Nhìn lại trận lũ năm 1999 và năng lực phòng chống thiên tai của tỉnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, khó có thể nói trước sự biến chuyển về thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận một cách lạc quan, khả năng xảy ra lũ lớn, ngập sâu như trận lũ cách đây 20 năm khó tái diễn.

Niềm lạc quan của ông Phương dựa trên cơ sở: Ở đầu nguồn sông Hương và sông Bồ-hai con sông lớn nhất của Huế-nhiều hồ chứa dung tích lớn như hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, hồ thủy lợi Tả Trạch… có tác dụng giảm lũ chính vụ, cắt lũ sớm, lũ tiểu mãn.

Thực tế cho thấy, từ khi có các công trình này, lũ trên các sông và vùng hạ du đã giảm độ ngập hơn 1m.

“Trước và trong mùa lũ lụt, tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các chủ công trình hồ đập tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa. Quy trình xả lũ được quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt, thông tin kịp thời đến với các địa phương, người dân. Tuyệt đối không để nước dâng bất ngờ, gây thiệt hại nặng vùng hạ du”, ông Phương khẳng định.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, ngoài bài học “4 tại chỗ”, phương án “Tự quản tại chỗ” trong cộng đồng dân cư là cách làm hay của Thừa Thiên Huế được duy trì và phát huy. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh về vĩ mô, các yếu tố công trình và phi công trình được thực hiện một cách đồng bộ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Mỗi tổ chức chính trị, các đoàn thể đều được phân công trách nhiệm để tất cả đều vào cuộc, chung tay giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra", Bí thư Lê Trường Lưu nói thêm.

Một trong những phương thức quan trọng trong ứng phó thiên tai là vấn đề thông tin.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai tận người dân như nhắn tin SMS, mạng xã hội facebook, Zalo, HueS.

Ứng dụng HueS có nội dung cảnh báo thiên tai được cập nhật liên tục gửi đến người dùng

Sử dụng hệ thống camera giám sát theo dõi hồ chứa nước cũng đã được tích hợp vào đô thị thông minh của tỉnh và các ứng dụng khác phục vụ phòng chống thiên tai; hay sử dụng hệ thống thông tin địa lý GIS Huế.

Ông Phan Thanh Hùng nhấn mạnh: “Đây là một nỗ lực lớn của tỉnh trong việc quản lý và chia sẻ thông tin đối với cộng đồng”.

Hiện, Thừa Thiên Huế đang triển khai một số dự án của các tổ chức trong và ngoài nước về phòng tránh thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Diên Minh, thành viên dự án Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho hay, sau năm 1999, JICA đã được hỗ trợ để nghiên cứu tiền khả thi cho dự án xây dựng Hồ Tả Trạch. Cụ thể là nghiên cứu vị trí, đánh giá tác động môi trường của dự án. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng JICA đã ký kết thực hiện dự án: “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện”.

Theo đó, mạng lưới thông tin phòng chống thiên tai toàn diện và các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên sông Hương được thiết lập, nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt; hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương, tạo công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý.

TS.Felix Bachofer, nhà khoa học cao cấp, Trung tâm hàng không vũ trụ Đức – thành viên của dự án FloodAdaptVN hỗ trợ nghiên cứu giảm nhẹ rủi ro thiên tai miền Trung cho biết, đang hỗ trợ Thừa Thiên Huế phân tích tình hình lũ lụt hiện tại thông qua ảnh viễn thám, các mô hình thủy văn và dữ liệu trong quá khứ - hiện tại để mô hình hóa lũ lụt dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu. Đánh giá sự ảnh hưởng và tổn thương hiện tại của hộ dân, các công trình đối với lũ và xây dựng các kịch bản tương lai…

Theo T.S Felix Bachofer, để giải pháp quản lý rủi ro thiên tai theo xu hướng hiện đại này khả thi, các ban ngành hữu quan cần có sự phối hợp, xây dựng bảng số liệu cụ thể trên các lĩnh vực. Bù lại, đây sẽ là phương pháp đánh giá chính xác và hiệu quả....

Mọi nỗ lực cho thấy, chúng ta đang hướng về mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai. Từ những địa phương làm điểm, các mô hình sẽ được nhân rộng để người người, nhà nhà trở thành những lá chắn vững chãi trước biến đổi phức tạp của khí hậu.

 

Thành Trung