Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xung kích phòng chống thiên tai: Những chuyện không lên sóng

Dù làm về mảng đề tài chuyên biệt, nhưng ngay từ tập đầu tiên, game show Xung kích phòng chống thiên tai đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả khi phát sóng trên kênh VTV8. Đằng sau những màn thi tài sôi nổi là nỗ lực không ngừng nghỉ của ekip sản xuất nhằm tạo ra một sân chơi vui vẻ và bổ ích.


Bài toán “thị hiếu”

          Miền Trung – Tây Nguyên là vùng đất thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ. Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về việc phòng chống thiên tai, kênh VTV8 và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cùng phối hợp để thực hiện chương trình Xung kích. Tuyên truyền thế nào để đạt hiệu quả tối ưu luôn là thách thức với những người làm truyền thôngQuá trình xây dựng format, thiết kế các trò chơi cũng diễn ra kĩ lưỡng và công phu. Mỗi trò chơi trước khi được áp dụng vào chương trình đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt nhiều lần. Những người chuyên nghiệp sẽ được mời về chơi thử để tìm ra điểm còn hạn chế. Luật chơi cũng phải sửa đổi liên tục để tăng sự kịch tính, ganh đua nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn và công bằng giữa các đội. “Ra đến trường quay chúng tôi vẫn tiếp tục phải thay đổi cách thức chơi cho phù hợp với tình hình thực tế và năng lực của các đội chơi. Mãi tới sát trận chung kết mới cơ bản hoàn thành được bộ trò chơi của chương trình” - nhà báo Trà Xuân Phương tiết lộ.

Cân bằng giữa giải trí và tuyên truyền

          21 đội chơi đến từ 21 tỉnh thành bao gồm: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đak Lak, Lâm Đồng, Bắc Kạn cùng tập trung thi tài tại thành phố biển Đà Nẵng để tìm ra đội xuất sắc nhất. Ở vòng loại, các đội chia làm 7 bảng đấu. Bảy đội đứng nhất của 7 bảng cộng với 2 đội về nhì có số điểm cao nhất sẽ giành quyền vào bán kết. Sau vòng bán kết sẽ chọn ra 3 đội vào chung kết để tranh chức vô địch. 11 tập phát sóng của chương trình là 11 trận thi tài đầy kịch tính. Trong 45 phút thi đấu các đội phải trải qua 3 phần thi: Nhận diện, Ứng phó, Xung kích, những kĩ năng cần thiết trong công tác phòng chống thiên tai. Phần Nhận diện bao gồm những kiến thức bổ ích về các hiện tượng thời tiết, kinh nghiệm dân gian, kĩ năng, chính sách pháp luật, chủ trương của nhà nước liên quan đến vấn đề phòng chống thiên tai. Ứng phó là những trò chơi vận động hấp dẫn, mô phỏng lại những hoạt động trong thực tế của công tác phòng chống thiên tai như: sử dụng bao tải cát để đắp đê ngăn lũ, cứu hộ cứu nạn, đóng cọc chống sạt lở ở bờ sông, bờ biển. Xung kích là sự phối hợp nhịp nhàng giữa kiến thức và vận động. Các đội chơi phải trả lời chính xác câu hỏi mà chương trình đưa ra thì mới được quyền chạy đến lấy một mảnh ghép vượt qua những thử thách đến vị trí ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh. Nội dung của bức tranh nói về các loại hình thiên tai hoặc các hoạt động phòng chống thiên tai. Dù phải chuyển tải một lượng thông tin khá lớn nhưng tất cả các phần thi đều rất thú vị, tạo hứng thú cho người xem

Bối cảnh công phu

          Toàn bộ chương trình được ghi hình tại trường quay S1 của VTV8 nên việc xây dựng bối cảnh là một thử thách khó. Lần đầu tiên, một bối cảnh hoành tráng có hồ bơi, vách núi, cầu khỉ, cầu phao nổi… được dựng ngay trong trường quay với sức chứa 200 chỗ ngồi. Những hàng ghế khán giả được thu hẹp lại, từng mét đất đều được tận dụng tối đa, sân khấu, đạo cụ đã được đặt làm từ trước nhưng gần sát tới ngày ghi hình mới được chuyển vào trường quay để tiến hành lắp ráp. Nhà báo Trà Xuân Phương tự hào về những gì mà anh và các đồng nghiệp đã làm được trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 nhưng vẫn khẳng định sức hấp dẫn của Xung kích phòng chống thiên tai nhờ vào sự dẫn dắt của hai MC Hoài Đảm, Đào Xuyên và sự năng nổ, thi đấu hết mình của các đội chơi. “Hầu hết các bạn ấy đều thuộc lực lượng xung kích cấp cơ sở lần đầu làm quen với sân khấu. Thế nhưng, trong một trường quay đông người với rất nhiều yếu tố tác động đến tâm lí, họ vẫn luôn giữ được sự tự tin và chủ động với cuộc chơi”. Chương trình cũng sẽ mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khi theo dõi phần thi của các đội. Hồi hộp, lo lắng, thậm chí xót xa khi có những thành viên bị chấn thương hay cảm giác vỡ oà hạnh phúc mỗi khi đội mình yêu thích giành chiến thắng.

          “Chúng tôi mong rằng, thông qua game show này, những thông tin về công tác phòng chống thiên tai sẽ đến được với mọi người một cách hiệu quả, rõ ràng nhất và dễ hiểu nhất. Bên cạnh đó, cũng hi vọng khán giả sẽ thấy được sức mạnh của lực lượng phòng chống thiên tai cấp cơ sở được tạo dựng từ các địa phương. Họ là những người luôn sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Tôi rất xúc động khi nghe các bạn ấy chia sẻ rằng, các thử thách trong chương trình dù rất khó, thậm chí phải đổ cả máu nhưng cũng không bằng thực tế họ đã trải nghiệm mỗi khi đối mặt với bão lũ, thiên tai. Sự đồng cảm, thấu hiểu của mọi người sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp họ làm tốt hơn công việc của mình” - nhà báo Trà Xuân Phương trải lòng.



Thu Trang - Tạp chí Truyền Hình (ảnh: Văn Dũng- TTXVN tại Đà Nẵng)