Ám ảnh những trận lũ về đêm
Chúng tôi có mặt tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La vào ngày khánh thành đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam. Người dân háo hức có mặt tại lễ khánh thành từ sớm. Ông Tòng Văn Hương, Trưởng bản Piệng cho biết: “Bản Piệng có 220 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Người dân bản Piệng rất lo sợ lũ ống, lũ quét cuốn trôi nhà cửa. Nhưng từ nay, đập Sabo sẽ giúp giảm tác hại của lũ ống, lũ quét, các hộ dân trong bản yên tâm hơn vì có những công trình như thế này”.
Trong tâm trí của nhiều người dân nơi đây, sự tàn phá khủng khiếp của trận lũ đêm mùng 2 rạng sáng 3-8-2017 vẫn là nỗi ám ảnh. Ông Lò Văn Mặc (52 tuổi) ở bản Piệng vẫn nhớ như in về trận lũ quét đó: “Lũ ào về ban đêm, đất đá, thân cây trôi xuống cuốn đi nhà cửa bên bờ suối, vùi lấp ao cá, ruộng vườn của người dân. Gần 8 năm kể từ cơn lũ lịch sử đó, năm nào người dân sinh sống bên con suối Nặm Păm (huyện Mường La) này cũng nơm nớp, cảm giác bất an”. Anh Lò Văn Duấn cũng vẫn còn ám ảnh vì trận lũ ấy. Lũ đến giữa đêm, anh và bố mẹ cũng chỉ kịp chạy lên đồi, bất lực nhìn tài sản của gia đình bị lũ cuốn trôi. Khi được nghe các chuyên gia giải thích về cơ chế hoạt động của đập Sabo, anh Duấn vui lắm: “Từ nay, người dân bản Piệng yên tâm hơn rồi!”.
Không chỉ tại xã Nặm Păm, trong những năm gần đây, lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, Việt Nam gần như chưa có giải pháp hiệu quả phòng, chống và giảm thiểu rủi ro do lũ quét, sạt lở đất. Vì lũ quét và sạt lở đất mang yếu tố bất ngờ, khó dự báo về vị trí, thời điểm và cường độ. Theo các chuyên gia, phương pháp xây dựng hệ thống đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất giúp giảm nhẹ rủi ro từ lũ quét, phòng ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu. Cụ thể đối với con đập Sabo mới được khánh thành sẽ giảm rủi ro lũ quét và sạt lở đất không chỉ cho khu vực dân cư gần đập mà còn cả thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.
“Lá chắn” lũ quét
Trong tiếng Nhật, Sabo nghĩa là phòng, chống thiên tai từ cát, bùn, trầm tích. Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ: "JICA đã chú tâm tới vấn đề phòng, chống sạt lở lũ quét ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam trong nhiều năm. Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều khảo sát, dự án liên quan đến sạt lở, lũ quét và cung cấp hàng hóa cứu trợ khẩn cấp của Nhật Bản đến các khu vực chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Việc khánh thành đập Sabo đánh dấu một cột mốc mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai".
Theo JICA, thành phố Kobe, tỉnh Hyogo của Nhật Bản là nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao. Tháng 7-1938, mưa lớn (tổng lượng mưa 461mm) đã gây lũ quét, sạt lở đất làm ảnh hưởng tới gần 120.000 hộ dân tại Kobe, làm 695 người chết và mất tích. Đến năm 1966, sau khi 174 đập Sabo được xây trên cùng lưu vực, sạt lở, lũ quét do mưa lớn (371mm) chỉ còn gây ảnh hưởng tới 59.594 hộ, làm 98 người chết và mất tích. Năm 2018, khi 545 đập Sabo được hoàn thành, dù mưa ở mức 438mm cũng chỉ gây ảnh hưởng tới 16 hộ dân, không có người chết và mất tích. Điều này xem như là minh chứng cho việc thiên tai đã được phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả. Tương tự như vậy, ở tỉnh Hiroshima, Chính phủ Nhật Bản ước tính nhờ việc xây dựng hệ thống đập Sabo với tổng chi phí khoảng 30 tỷ yên nên đã giúp bảo vệ tài sản với tổng trị giá 100 tỷ yên.
Trong khuôn khổ của dự án, các chuyên gia đã tổng kết và đánh giá rủi ro lũ quét, sạt lở đất cho từng huyện trong tỉnh Sơn La. Kết quả đánh giá, phân tích cho thấy, huyện Mường La là địa phương chịu nhiều rủi ro nhất trong toàn tỉnh trước tình hình biến đổi khí hậu gia tăng. Thực trạng và các phân tích trên cho thấy việc đầu tư thực hiện các giải pháp, đặc biệt là giải pháp công trình có hệ thống giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai lũ quét tại huyện Mường La là vô cùng cấp thiết, cần được sớm thực hiện để làm hình mẫu nhân rộng ra các địa phương khác. Dự án cũng đã đề xuất xây dựng 12 đập Sabo tại lưu vực suối Nặm Păm. Với kết quả nghiên cứu đó, đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam bắt đầu được xây dựng tại bản Piệng từ tháng 9-2024, theo tiêu chuẩn Nhật Bản, với trị giá xây dựng là 9 tỷ đồng. Đây là đập bê tông khe hở với chiều dài 61m, chiều rộng 3m ở đỉnh đập và chiều cao 9m. Chất lượng của đập được kiểm soát thông qua các bài kiểm tra đo độ sụt và thí nghiệm cường độ bê tông liên tục tại vị trí xây dựng.
Đại diện JICA lưu ý thêm: "Một đập Sabo đơn lẻ không thể giúp giảm dòng lũ bùn, đá hiệu quả. Chúng tôi hy vọng rằng, việc thí điểm xây dựng đập Sabo tại tỉnh Sơn La sẽ là ví dụ tham khảo để Chính phủ Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật làm các đập Sabo khác tại lưu vực Nặm Păm và những khu vực có nguy cơ cao”.
Đập Sabo có hai loại chính là đập Sabo kín và đập Sabo hở. Đập Sabo kín có tường chắn, được xây dựng theo kiểu bậc thang để lắng tụ bùn đất và làm chậm dòng chảy của nước. Đối với loại đập Sabo hở, trên tường chắn của đập sẽ có các khoảng hở; bùn, đá nhỏ vẫn có thể trôi qua đập; khi xảy ra lũ quét, đập sẽ giữ lại các đá lớn và gỗ trôi để giảm thiệt hại cho vùng hạ lưu. Tùy từng khu vực địa hình mà các chuyên gia sẽ đề xuất xây đập hở hay đập kín.

Toàn cảnh đập Sabo tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh do JICA cung cấp
Cần xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo để phát huy hiệu quả cao nhất
Người Nhật Bản đã thiết kế và phát triển công trình đập Sabo để cho nước chảy qua, nhưng giữ lại đất, đá, cây cối, được xây dựng tại các điểm xung yếu nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, công trình đã chứng minh được hiệu quả. Đến nay, không chỉ hơn 64.000 công trình đập Sabo lớn, nhỏ được xây dựng tại Nhật Bản mà giải pháp này đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các quốc gia có nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Nhận thấy tính hiệu quả của công trình đập Sabo, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đã đề xuất JICA hình thành Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc” để thông qua dự án này, xây dựng thí điểm 1 đập Sabo. Công trình đập Sabo phòng, chống lũ bùn, đá tại lưu vực suối Nặm Păm có thể được coi là “mô hình trực quan”, mang tính thí điểm được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Công trình được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ 28 hộ dân, 1 trường mầm non, 1 nhà văn hóa ở phía bờ trái hạ lưu đập. Tuy nhiên, do chỉ là đập thí điểm, được xây dựng đơn lẻ với quy mô nhỏ nên chắc chắn đập Sabo này sẽ khó phát huy hết hiệu quả. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo trên lưu vực suối Nặm Păm. Nếu được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống đập này có thể trở thành mô hình mẫu cho Việt Nam đánh giá hiệu quả, từ đó xem xét, huy động nguồn lực để đầu tư nhân rộng công trình đập Sabo tại các khu vực khác có rủi ro tương tự.
Hằng năm có nhiều đợt lũ, sẽ có một khối lượng đất đá, cây cối được ngăn lại bởi đập. Do đó, để con đập được phát huy hiệu quả, hằng năm vẫn cần phải có lực lượng nạo vét, khơi thông và bóc toàn bộ những lượng đất đá tràn về để đập tiếp tục được vận hành theo quy mô, thiết kế.
Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN
(Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
----------------
Nghiên cứu xây dựng theo quy chuẩn của Việt Nam
Để phòng, chống thiên tai, có rất nhiều biện pháp, nhưng hiệu quả nhất là các biện pháp công trình. Đập Sabo là một trong những thành tựu của Nhật Bản-quốc gia đi đầu trong công tác phòng, chống thiên tai và có lưu vực, địa hình khá tương đồng với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ quá trình từ khảo sát, dự báo, đánh giá là do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện, đã xây dựng một mạng lưới chi tiết đánh giá từ nền địa chất cho đến địa mạo, địa hình cũng như theo dõi, đánh giá trong khoảng thời gian có biên độ lũ rất lớn. Chúng ta chưa có chuyên gia, chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức riêng đối với Việt Nam trong xây dựng các công trình này. Nhưng hy vọng rằng sau khi có đập Sabo trên địa bàn Nặm Păm, chúng ta sẽ nghiên cứu, lựa chọn những kỹ thuật tinh tế nhất của chuyên gia Nhật Bản, dựa trên địa hình thực tế sẽ đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn để phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá, quan trắc, vận hành và cung cấp thông tin, phản hồi thiết thực nhất về hiệu quả ngăn lũ của đập Sabo để cho các cơ quan cấp trên xây dựng quy trình, quy chuẩn mang tính chất riêng của Việt Nam.
Lưu vực suối Nặm Păm có diện tích 118km2; địa hình chia cắt rất phức tạp, độ dốc sườn lưu vực lớn hơn 25 độ; có lượng mưa lớn; có đặc điểm thạch học là các đất đá bở rời, độ dính kết yếu; thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Theo tính toán tại lưu vực suối Nặm Păm thì tổng khối lượng trầm tích chảy về là 628.469m3, do vậy trong khuôn khổ dự án, việc xây dựng 1 đập Sabo chỉ góp phần thu giữ một khối lượng trầm tích nhỏ trên lưu vực (57.020m3, chiếm 8% tổng lượng bùn cát chảy về lưu vực) nên không bảo đảm việc kiểm soát hoàn toàn lũ bùn cát trên lưu vực suối Nặm Păm. Do đó, rất mong Chính phủ Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm đầu tư hoàn thiện 12 đập đã được lập theo kế hoạch để bảo đảm việc kiểm soát lũ trên khu vực Nặm Păm.
Bà LÊ THỊ THU HẰNG
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La)
|