Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển khai hành động sớm đối với hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau

Cà Mau, ngày 9-12/4/2024 - Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôi, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phối hợp triển khai hành động sớm hỗ trợ người dân tăng cường khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn tại các xã Khánh An, Khánh Thuận – huyện U Minh, xã Khánh Hưng – huyện Trần Văn Thời và xã Biển Bạch – huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.


 

Chương trình tập trung vào hoạt động cấp phát tiền mặt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất. Ngày 09/4/2024, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam đến thăm và cấp phát tiền mặt cho người dân tại xã Khánh An, huyện U Minh.

Cùng tham dự chương trình là đại diện lãnh đạo và cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Cục Thủy lợi). Về phía tỉnh Cà Mau, có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh; đại diện lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình; đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; đại diện lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã Khánh An; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Khánh An.

Phát biểu tại khai mạc sự kiện kích hoạt hành động sớm tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Hiện nay, do tác động của El Nino, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, như: sụt lún trên một số tuyến đường giao thông, sinh kế của bà con đảo lộn, khu vực nông thôn bị thiếu cho sinh hoạt và sản xuất,… gây trở ngại cho trong đời sống của người dân, đặc biệt là cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Qua đánh giá tình hình thực tế tại tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức FAO tại Việt Nam quyết định kích hoạt hành động sớm để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn tại 04 xã (Khánh An, Khánh Thuận – huyện U Minh; Khánh Hưng – huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch – huyện Thới Bình). Hơn 1.000 hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tiền mặt vào 2 đợt (lần đầu trong tháng 4 và lần thứ hai trong tháng 5), với mức hỗ trợ là 6 triệu cho mỗi hộ gia đình có 03 nhân khẩu trở lên. Số tiền này tuy không nhiều, nhưng tôi mong rằng nó sẽ giúp đỡ bà con phần nào trong giai đoạn khó khăn bởi thiên tai hạn mặn này.

Khoản hỗ trợ sẽ chỉ phần nào cung cấp được các nhu cầu thiết yếu tối thiểu, nhưng nó mang một ý nghĩa lớn hơn, đó là hỗ trợ bà con chủ động hơn trong ứng phó và giảm thiểu tác động của thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Đồng thời, hoạt động này, cũng thể hiện Chính phủ Việt nam nghiêm túc thực hiện Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm mà các quốc gia ASEAN đã thông qua vào tháng 10/2023 vừa qua.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc chương trình kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt tại tỉnh Cà Mau.
 

*Thông tin chi tiết hoạt động kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn

Hoạt động kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt được tổ chức tại 4 xã/3 huyện thuộc tỉnh Cà Mau; và được chia làm 2 đợt (tháng 4 và tháng 5/2024), với tổng kinh phí là 5.490.000.000 đồng. Định mức hưởng lợi đối với Hộ 1 nhân khẩu là 1 triệu đồng mỗi đợt; Hộ 2 nhân khẩu: 2 triệu đồng mỗi đợt; Hộ 3 nhân khẩu trở lên: 3 triệu đồng mỗi đợt.

Thông tin các hộ hưởng lợi (HHL) gói hỗ trợ tiền mặt như sau:

  1. Xã Khánh An, huyện U Minh: 290 HHL trong đó 520 nhân khẩu nam, 525 nhân khẩu nữ; kinh phí hỗ trợ đợt 1: 786.000.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ 2 đợt: 1.572.000.000 đồng;
  2. Xã Khánh Thuận, huyện U Minh: 346 HHL trong đó 759 nhân khẩu nam, 759 nhân khẩu nữ; kinh phí hỗ trợ đợt 1: 987.000.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ 2 đợt: 1.974.000.000 đồng;
  3. Xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời: 164 HHL trong đó 313 nhân khẩu nam, 357 nhân khẩu nữ; kinh phí hỗ trợ đợt 1: 437.000.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ 2 đợt: 874.000.000 đồng;
  4. Xã Biển Bạch, huyện Thới Bình: 201 HHL trong đó 358 nhân khẩu nam, 370 nhân khẩu nữ; kinh phí hỗ trợ đợt 1: 535.000.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ 2 đợt: 1.070.000.000 đồng.

 

Ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt tại tỉnh Cà Mau.
 
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu tại chương trình kích hoạt cho biết: Để ứng phó với tình hình này, tỉnh Cà Mau đã tập trung nhiều nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ phi công trình đến công trình, triển khai hành động sớm trước hạn hán, ứng phó trong hạn hán và sắp tới đây là khắc phục hậu quả sau hạn hán.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây là đợt hạn hán khốc liệt, Cà Mau với địa bàn rộng, ảnh hưởng nặng nề, số lượng các hộ dân yếu thế, dễ bị tổn thương do hạn hán khá lớn, nội lực của tỉnh tại thời điểm này chưa thể đáp ứng được. Do đó, nguồn tài trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho tỉnh là hết sức quý báu, kịp thời.

Thay mặt Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương và các hộ dân được nhận hỗ trợ, chân thành cảm ơn Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đã quan tâm, hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đây là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, cho thấy sự quan tâm, đồng hành của các Tổ chức quốc tế cũng như Bộ ngành Trung ương đối với tỉnh trong quá trình ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu tại chương trình kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt.
 

*Thông tin về Dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai Hành động sớm, cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội”

Từ năm 2022, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (trước đây là Tổng cục Phòng, chống thiên tai) đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực và quy mô triển khai Hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống Bảo trợ xã hội". Đây là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hợp phần Dự án ở Việt Nam có Tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu Đô la Mỹ từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hoạt động Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự Châu Âu (DG ECHO) thông qua FAO. Tại Việt Nam, FAO phối hợp cùng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy PCTT các cấp, các tỉnh nhằm xây dựng Kế hoạch Hành động sớm và thúc đẩy việc lồng ghép vào hệ thống PCTT của Việt Nam.

Dự án với mục tiêu cụ thể nhằm Bảo vệ sinh kế, an ninh lương thực và đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn bằng việc dự báo trước các tác động của thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận thống nhất trong triển khai hỗ trợ nhân đạo, tăng cường công tác quản trị và tính chủ động trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc kết nối và bổ trợ cho hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia. Qua đây sẽ Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ những thành tựu của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trước thiên tai.

Địa bàn thực hiện Dự án là một số tỉnh ven biển miền Trung với loại hình thiên tai bão và lũ lụt (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên), tỉnh Gia Lai với hạn hán và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang) với hạn hán và xâm nhập mặn.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phát gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân tại xã Khánh An, huyện U Minh.
 

Một số hoạt động và kết quả của Dự án đã đạt được:

- Tham vấn, khảo sát chính quyền các cấp tại địa phương để xác định danh mục hành động sớm phù hợp cho các loại hình thiên tai khác nhau (bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn) tại các địa phương khác nhau;

- Tổ chức thành công 01 hội thảo cấp quốc gia, 02 hội thảo cấp vùng (tại miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long), 12 hội thảo cấp tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang) và 38 khóa tập huấn cấp xã để tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực thực hiện hành động sớm cho các cán bộ từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai;

- Nghiên cứu thử nghiệm ngưỡng kích hoạt HĐS và xây dựng Quy trình triển khai hành động sớm dựa vào dự báo bão và lũ lụt ở miền Trung và Hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Quy trình triển khai hành động sớm đã được áp dụng vào một số hoạt động:

+ Tổ chức thành công diễn tập hành động sớm dựa vào dự báo bão và ngập lụt tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Nam;

+ Kích hoạt hành động sớm hỗ trợ 600 hộ gia đình tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trước cơn bão NORU năm 2022 (600 thùng phuy chống nước, 300 triệu đồng;

+ Kích hoạt hành động sớm hỗ trợ 1.800.000 đồng/mỗi hộ gia đình cho 731 hộ gia đình tại 07 xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế trước đợt lũ lụt tháng 11/2023 (tổng kinh phí hỗ trợ là 1.315.800.000 đồng.

+ Dự kiến kích hoạt hành động sớm hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau từ 13-15/4/2024 (tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 5,5 tỷ đồng).

+ Nghiên cứu lồng ghép hành động sớm dựa vào dự báo thiên tai vào kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp.

- Nghiên cứu khả năng kết nối hành động sớm với hệ thống Bảo trợ xã hội và thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Thí điểm lán trại sơ tán gia súc khi có ngập lụt do mưa bão tại một số địa phương miền Trung.

- Hỗ trợ xây dựng Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.

Kế hoạch tiếp theo của Dự án:

- Hoàn thiện quy trình triển khai hành động sớm dựa vào dự báo bão, lũ lụt và hạn hán, xâm nhập mặn;

- Xây dựng chương trình tập huấn lồng ghép hành động sớm dựa vào dự báo thiên tai vào Chương trình "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" của Chính phủ;

- Nghiên cứu lồng ghép hành động sớm dựa vào dự báo thiên tai vào kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ở Việt Nam.

 

Phòng HTQT và KHCN