Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động ứng phó Hà Nội

Sáng ngày 18/9, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp giao ban ứng phó với bão số 5, Ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh văn phòng thường trực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện của các cơ quan, Bộ ngành thành viên của ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Cục trồng trọt); Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Bộ Giao thông, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia,…


Theo báo cáo của đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng 9-10 giờ sáng nay, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh miền Trung nước ta với tâm bão từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, với cường độ gió cấp 8-9 giật cấp 11, gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung, mưa tập trung chủ yếu trong sáng nay và giảm về chiều với lượng mưa từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Nguy cơ gây lũ quét cao ở khu vực miền núi và ngập lụt ở đô thị. Về tình hình lũ, các sông khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1-BĐ2.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, tính đến 06h30 ngày 18/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/ 285.384 lao động, không còn tàu nào hoạt động tại khu vực nguy hiểm. có 52.417 tàu/241.779 người neo đậu tại các bến và 5.928 tàu/43.605 người hoạt động tại khu vực khác.

Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, hiện còn 99.761 ha lúa mùa chưa thu hoạch tại các tỉnh Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An.

Ông Tăng Quốc Chính – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát thiên tai  báo cáo về tình hình trực ban ngày 17/9, hiện nay khu vực từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế có 49 vị trí đê điều xung yếu, có 16 công trình đê điều đang thi công. Về hồ chứa thủy lợi, có 58 hồ có nguy cơ mất an toàn, 56 hồ đang thi công, theo báo cáo các hồ chứa đã thi công đảm bảo cao trình vượt lũ. Về công tác tổ chức di dời, sơ tán dân, đến 20 giờ 00 ngày 17/9, đã có 04 tỉnh, thành phố (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) đã tổ chức sơ tán 11.457 hộ/ 34.811 người tại 16 huyện, thị, thành phố ven biển. Có 04 tỉnh, thành phố (Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho học sinh nghỉ học. Trong sáng ngày 17/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn công tác do Bộ trưởng – Phó Trưởng ban TT Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đến chỉ đạo và làm việc tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình để chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhắn tin tới gần 8 triệu thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 5.

Về tình hình tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản, tính đến 06h30 ngày 18/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/ 285.384 lao động; không còn tàu nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Có 112 tàu đang neo đậu tại bến thuộc 05 khu vực cảng từ Quảng Bình-Quảng Nam. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục cấm biển.  Tổ chức thông báo, hướng dẫn cho 34.227 ha nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và ven bờ. 38.174 ha nuôi trồng thủy sản trên hồ đảm bảo an toàn; 23.627 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được di chuyển về nơi an toàn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng thường trực BCĐ TW về PCTT Ông Vũ Xuân Thành 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh văn phòng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương: Tiếp tục thực hiện nghiêm công điện số 1258/CĐ-TTg ngày 16/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đặc biệt trọng tâm trong sáng và chiều hôm nay. Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy hải sản; Rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, tiếp tục tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; Quản lý, phân luồng giao thông đảm bảo an toàn; Triển khai các biện pháp phòng chống ngập lụt, lũ ống, lũ quét; Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện vận hành theo đúng quy trình.

Vụ TTCĐ