Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG VÀ XÂY DỰNG KHUNG QUẢN TRỊ TRONG KHAI THÁC CÁT SÔNG Ở ẤN ĐỘ


Bối cảnh và tình trạng khai thác cát sông

Sau một số lần khởi động sai trong nhiều năm, Ấn Độ đã rút ra được một điển hình tích cực liên quan đến vấn đề dần xóa sổ hành vi khai thác cát vô trách nhiệm (Hình 2.1) và thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo một cách bền vững (Hình 2.2). Trong tổng cầu cốt liệu toàn quốc 6 tỷ tấn, khoảng 1,3 tỷ tấn là cát, với cát nhân tạo là 0,6 tỷ tấn (chiếm khoảng 40%). Đây là một thay đổi lớn so với tình hình năm 2015, khi cát nhân tạo chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cát hằng năm 0,7 tỷ tấn.

Khai thác trái phép cát lòng sông

Xây dựng khung quản trị

Một phần của vấn đề cố hữu là, tại Ấn Độ, theo Luật về Mỏ và Khoáng sản (Phát triển và Quy định) (MMDR) năm 1957, cát và cốt liệu được coi là “khoáng sản thứ yếu”, như vậy, cát và khoáng sản chịu sự quản lý của các cơ quan cấp bang, thay vì cấp liên bang. Mục 3(e) của đạo luật định nghĩa “khoáng sản thứ yếu” là “đá xây dựng, sỏi, đất sét thông thường, cát thông thường không phải là cát sử dụng cho các mục đích đã được quy định, và mọi loại khoáng sản khác mà Chính phủ Trung ương có thể xem như thuộc nhóm khoáng sản này (khoáng sản thứ yếu), thông qua việc công bố trên công báo”. Do đó, thẩm quyền quy định khai thác cát được chỉ định cho các bang.

Do tác động tiêu cực đối với các sông, bãi biển và mực nước ngầm ngày càng tăng, nên, các sáng kiến ​​lập pháp khác nhau được áp dụng và tóm tắt như sau:

Quy tắc về Nước, Đất và Cây của Bang Andhra Pradesh (WALT), Phần 23, năm 2004

Năm 2004, Andhra Pradesh là bang đầu tiên thiết lập Quy tắc về Nước, Đất và Cây, trong đó phần 23 đề cập hoạt động khai thác cát. Phần này vẫn được sử dụng làm tham chiếu quan trọng cho ngành. Các điều khoản chính của phần này bao gồm:

Những khu vực khai thác cát ảnh hưởng đến chế độ nước ngầm phải được thông báo và cấm vận chuyển cát. Chỉ được khai thác cát tại các khu vực đã được thông báo để sử dụng cho mục đích cục bộ trong các làng hoặc thị trấn giáp suối, và không ảnh hưởng đến nguồn nước uống hoặc sử dụng cho mục đích công nghiệp. Ngoài ra, các yêu cầu chi tiết bao gồm:

  • Các đơn vị khai thác cát không được khai thác trong phạm vi 500m gần bất kỳ công trình hiện có nào như cầu, đập, đập nước hoặc bất kỳ công trình thoát nước nào khác băng qua, hoặc trong phạm vi 500m gần bất kỳ công trình khai thác nước ngầm nào.
  • Độ sâu khai thác tối đa 2m ở khu vực sông có độ dày cát cao (trên 8m). Không cấp phép khai thác ở khu vực dòng sông có độ dày cát bồi đắp ít hơn 2m. Độ sâu khai thác bị giới hạn ở mức 1m tại các dòng sông nhỏ có độ dày cát trong khoảng từ 3 đến 8m.
  • Không được khai thác cát trong phạm vi 15m hoặc 1/5 chiều rộng lòng chảy tính từ bờ, tùy theo giá trị nào lớn hơn.
  • Lượng cát bồi lắng hằng năm được theo dõi bằng cách thiết lập các trạm quan trắc dọc theo dòng chảy.

Hướng dẫn Quản lý Khai thác Cát của Chính phủ, năm 2016

Hướng dẫn khai thác cát năm 2016

Hướng dẫn khuyến khích lập bản đồ các mỏ cát ở cấp huyện; xác định vị trí khai thác thích hợp; thẩm định quy trình khai thác; đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; và giám sát chặt chẽ khối lượng vật liệu khai thác để đảm bảo tính bền vững của toàn bộ quá trình.

Hướng dẫn chủ trương giao cho đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện lập bản đồ các nguồn tài nguyên cát, áp dụng các thực hành môi trường tốt nhất trong hoạt động khai thác cũng như giám sát hoạt động khai thác và vận chuyển. Mục tiêu chính của Hướng dẫn này là đưa ra các khuyến nghị về quản lý khai thác cát bền vững. Cụ thể, hướng dẫn nhấn mạnh xây dựng các kế hoạch giám sát, cung cấp dữ liệu về thay đổi mặt nghiêng và khả năng vận chuyển trầm tích giúp cơ quan chức năng đánh giá tác động lâu dài của các hoạt động khai thác cả ở thượng nguồn và hạ lưu của các điểm khai thác cát.

Hướng dẫn đặc biệt chú trọng giám sát khối lượng và vận chuyển vật liệu đã khai thác một cách hiệu quả dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Hướng dẫn còn thúc đẩy khai thác cát nhân tạo và các công nghệ thay thế trong vật liệu và quy trình xây dựng để giảm sự phụ thuộc vào cát và sỏi tự nhiên.

Dự thảo Chính sách Quản lý Trầm tích, Bộ Tài nguyên Nước, năm 2017

Để giải quyết tình trạng khai thác quá mức từ góc độ tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên Nước đã đưa ra Dự thảo Chính sách Quản lý Trầm tích năm 2017. Dự thảo này lưu ý đến hiểu biết sâu sắc về các quá trình vật lý chính của các sông bao gồm vận chuyển trầm tích, xói mòn bờ và tính di động của dòng chảy liên quan, coi đó là cơ sở quan trọng để xác định các chiến lược phục hồi và quản lý sông. Dự thảo này tin rằng hầu hết các dòng sông phù sa đều đã từng xuất hiện hiện tượng gia tăng trầm tích bồi lắng hoặc thâm hụt trầm tích đáy sông; cả hai hiện tượng đều do các quá trình tự nhiên và chuỗi hoạt động can thiệp nhân tạo vào lưu vực sông hoặc trên chính dòng sông gây ra.

Các thực hành phổ biến do các cơ quan quản lý sông thực hiện cho thấy quản lý trầm tích hiếm khi dựa trên các thực hành tốt được xây dựng từ kiến ​​thức khoa học. Vì thế cần có một cách quản lý trầm tích khác tích hợp tất cả hai yếu tố: (i) kiến ​​thức và quản lý trầm tích ở quy mô lưu vực và (ii) ứng dụng rộng hơn các kiến ​​thức khoa học sẵn có. Duy trì tình trạng nguyên sơ của sông luôn là mục tiêu cuối cùng, nhưng mục tiêu này luôn chịu thách thức của phát triển về dân số trên các dải bờ sông. Cách hữu hiệu giảm xung đột hai quá trình nêu trên là quản lý trầm tích trong các sông và hồ chứa hợp lý và bền vững được thực hiện dựa trên các chính sách quản lý trầm tích cho từng bang và huyện.

Quy định chính của Khung Khai thác Cát, Bộ Quản lý Mỏ, năm 2018

Khung Khai thác cát 2018

Khung khai thác cát này cảnh báo các vấn đề về khai thác trái phép, hủy hoại môi trường, chi phí khai thác cát thấp, giá cát cao và chất lượng cát liên quan với nhau và ngày càng phổ biến ở nhiều bang. Năm 2017, một ủy ban gồm các quan chức của chính quyền các bang được thành lập, do Thư ký Liên bang, Bộ Quản lý Mỏ chủ trì. Ủy ban có trách nhiệm xem xét các vấn đề khác nhau liên quan đến khai thác cát và soạn thảo một khuôn khổ thực hiện khai thác cát cho các bang thông qua. Một nhóm các quan chức của Cục Mỏ Ấn Độ (IBM) cùng các cố vấn bên ngoài đã được chỉ định và yêu cầu đến các bang tìm hiểu tình hình thực tế và làm việc với các bên liên quan. Phản hồi từ công chúng cũng được tham vấn và ghi nhận vào báo cáo dự thảo.

Các bang đối mặt nhiều vấn đề khác nhau về nguồn tài nguyên địa chất, nhu cầu và kịch bản về nguồn cung cũng như các mục tiêu khác nhau đối với chính sách khai thác cát. Nhóm đã đi thực địa tại 14 bang để thu thập kinh nghiệm sau đó tài liệu hóa thành các thực hành tốt trên cơ sở phân tích và đánh giá tình hình tại chỗ. Các bang mà nhóm đã đến bao gồm Assam, Andhra Pradesh, Chhattisgarh, Haryana, Gujarat, Karnataka, Madhya Pradesh, Maharashtra, Punjab, Rajasthan, Tamil Nadu, Telangana, Uttar Pradesh và Uttarakhand. Dữ liệu và tài liệu liên quan được thu thập từ tất cả các bang.

Dựa trên thực hành này và cân nhắc của ủy ban, Khung Khai thác Cát năm 2018 được biên soạn để hỗ trợ các bang nghiên cứu báo cáo, từ đó, đưa ra một chính sách và hệ thống hành chính phù hợp để giải quyết nhu cầu cụ thể của từng bang.

Hướng dẫn Thực thi và Giám sát Hoạt động Khai thác Cát, Năm 2020

Hướng dẫn thực thi và giám sát, 2020

Tài liệu năm 2020 bổ sung cho Hướng dẫn Quản lý Khai thác Cát Bền vững Năm 2016 (SSMG-2016), được áp dụng cho tất cả các nguồn cát ở Ấn Độ bao gồm:

  • Sông (lòng sông và bãi bồi).
  • Hồ và hồ chứa.
  • Ruộng nông nghiệp.
  • Cát ven biển/biển.
  • Kênh Palaeo.
  • Cát tái chế (M-Sand).

Các mục tiêu của hướng dẫn:

  • Xác định và định lượng tài nguyên khoáng sản và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách tối ưu.
  • Quy định khai thác cát và sỏi trong nước kể từ lúc xác định cho đến tay người dùng cuối cùng là người tiêu thụ và công chúng.
  • Sử dụng các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin & công nghệ mới nhất để giám sát hoạt động khai thác cát ở từng bước.
  • Giảm chênh lệch cung cầu.
  • Xây dựng quy trình thực hiện thường xuyên việc nghiên cứu bồi đắp cát.
  • Tổ chức giám sát thông quan môi trường hậu khai thác.
  • Xây dựng thủ tục thanh tra môi trường.
  • Kiểm soát trường hợp khai thác trái phép.

Các điều kiện tiên quyết cho hoạt động khai thác cát bao gồm (i) không được phép khai thác cát ở lòng sông vào mùa mưa, (ii) đảm bảo giám sát thường xuyên khoáng sản đã khai thác và hoạt động vận chuyển, lưu trữ khoáng sản đã khai thác, và (iii) tất cả thông tin phải được thu thập về cơ sở dữ liệu trung tâm để tiện theo dõi vật liệu bất hợp pháp.

Hướng dẫn này cũng cân nhắc về việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị giám sát từ xa hiện đại sẽ giúp giám sát hoạt động khai thác cát cũng như hỗ trợ chính quyền bang kiểm soát hoạt động khai thác trái phép trong nước hiệu quả hơn. Về chính sách giám sát hoạt động khai thác cát hiệu quả và dễ dàng thực thi trong thực tế, hướng dẫn này nhấn mạnh giám sát hiệu quả hoạt động khai thác cát từ khâu xác định các nguồn khoáng sản cát cho đến khâu vận chuyển cát và sử dụng đầu cuối. Về các đối tượng liên quan, hướng dẫn cũng lưu ý giám sát và thực thi hiệu quả đòi hỏi nỗ lực của không chỉ các cơ quan chính phủ mà còn của người tiêu dùng và công chúng.

 

Xây dựng các Thực hành Khai thác tại Bang Telangana

Bang Telangana (Hình 2.7) được coi là thành công trong loại bỏ hoạt động khai thác trái phép cũng như thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo (M-Sand) một cách khả thi và bền vững. Hiện tại, 45% cát đang được sử dụng tại bang là cát nhân tạo, tác động tích cực đến bình ổn giá cát ở mức thấp hơn.

Nhìn chung, Bang Telangana đã dừng cho phép nạo vét sông, ngoại trừ các khu vực đập bị tích tụ cát và trầm tích. Giấy phép phải do cơ quan chính quyền bang cấp và đơn vị khai thác phải xây dựng kế hoạch khai thác chi tiết để trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Hoạt động khai thác phải tạm dừng trong giai đoạn lũ lụt hoặc mùa mưa, mặc dù có khả năng làm mực nước dâng trong thời gian lũ lụt.

Cơ chế là chính quyền bang thành lập ủy ban cát cấp bang để thực hiện Quy tắc WALT 2004. Ủy ban này lấy ý kiến từ Cục Nước ngầm, Thủy lợi và Bảo tồn, Cục Doanh thu và Cục Mỏ & Địa chất. Đối với Bang Telangana, trọng tâm chính là khai báo cát thu được từ các suối và hoạt động khử bùn của các dự án thủy lợi trên sông Godovari. Ủy ban này được trao quyền cung ứng 95% cát sẵn có ở mức giá thị trường cố định và hạn chế đơn vị trung gian can thiệp vào chuỗi cung ứng.

Ủy ban này có quyền ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép thông qua sử dụng camera giám sát và thiết bị định vị GPS, thiết lập các trạm kiểm soát có cầu cân và có quyền bắt giữ các đơn vị khai thác và vận chuyển trái phép. Ủy ban có quyền phạt tới 100.000 rupee (tương đương 1.400 đô la Mỹ) đối với hành vi vi phạm lần thứ nhất và thứ hai, thu giữ hàng hóa và xe tải sau lần vi phạm thứ ba. Trong năm 2018/19 ghi nhận gần 5.000 trường hợp vi phạm (cho thấy mức xử phạt có thể vẫn còn quá nhẹ). Trọng lượng cát được kiểm tra bằng cầu cân, chi tiết hoạt động được theo dõi trên một ứng dụng. Các hoạt động trái phép được các đội lưu động kiểm soát, các đội này có quyền phạt một khoản tiền lớn, tịch thu cát hoặc thậm chí cả xe tải. Máy bay không người lái cũng được huy động để giám sát từ xa.

 Phạm Hồng Quyên