Lực lượng CA huyện và ngành chức năng triển khai phương án tiếp cận các khu dân cư bị chia cắt sau bão số 5.
Toàn bộ hệ thống điện lưới quốc gia trên địa bàn H. Tây Giang tê liệt từ ngày 18-9 đến 21-9 mới khắc phục và đóng điện phục vụ sinh hoạt cho các xã vùng thấp của huyện. Hiện nay ngành điện đang triển khai khắc phục đóng điện tại các xã vùng cao, dự kiến đến ngày 22-9 sẽ đóng điện toàn bộ trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.
Toàn bộ tuyến giao thông ĐT 606, và đường ĐH liên huyện cũng như tuyến đường đi vùng cao biên giới và các tuyến giao thông nông thôn tại địa bàn 10 xã đều bị sạt lở đất đá trên taluy âm, taluy dương, nhiều đoạn đường bị đứt gãy, gây cô lập hoàn toàn, chia cắt toàn huyện, nhất là tuyến đường lên 4 xã vùng cao. Hiện nay, đã khắc phục thông tuyến từ đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện hơn 14 km và đang tập trung nhân lực, phương tiện để thông tuyến tại các tuyến đường còn lại. Riêng đối với một số cầu bê-tông, cầu treo bị đứt gãy, huyện đang tìm các biện pháp xử lý kịp thời để cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Qua công tác kiểm tra ban đầu, tuyến đường ĐT606, sạt lở gây ách tắc giao thông từ đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện và đến các xã vùng cao với chiều dài hơn 50km, khoảng trên 300.000 m3 đất đá đổ xuống mặt đường, nhất là đoạn đến các xã vùng cao, một số tuyến đường bị đứt gãy và lở hàm ếch tổng cộng khoảng hơn 1.500 mét.
Các tuyến ĐH liên xã, sạt lở gây ách tắc giao thông, với khối lượng khoảng gần 200.000 m3 đất đá, một số tuyến bị đứt gãy và lở hàm ếch khoảng gần 2.000m, 12.200m mương dọc vùi lấp, đứt gãy, 87 cống vùi lấp hư hỏng, 8 cống sạt lở, 1 cầu bản cuối trôi hoàn toàn, các mố cầu bê-tông cốt thép bị sạt lở hư hại nặng. Các tuyến đường xã và giao thông nông thôn, sạt lở 120.200 m3 đất đá, 3.800m mương dọc vùi lấp, 8 cống tròn sạt lở, 5 cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, 1 cầu treo bị nghiêng và nhiều cầu treo bị sạt lở mố cầu.
Giá trị thiệt hại trong lĩnh vực giao thông, ước khoảng 126 tỷ đồng.
Hệ thống thủy lợi, hầu hết các công trình đều sạt lở, bồi lấp đập dâng, cuốn trôi tuyến kênh, tuyến ống, với số lượng 70 công trình, ước thiệt hại 15 tỷ đồng. Hệ thống nước sinh hoạt, hầu hết các công trình đều sạt lở bồi lấp đập dâng, cuốn trôi tuyến ống, sạt lở bể chứa, với số lượng 91 công trình/115 điểm dân cư, ước thiệt hại 12 tỷ đồng. Hệ thống các trường học, tổng số các phòng học bị ngập nước 41 phòng/10 điểm trường học, 2 nhà bếp và cuốn trôi nhiều đường dẫn nước phục vụ cho việc nấu ăn cho các học sinh tại các trường, ước thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng.
Tuyến đường ĐT606 lên trung tâm H. Tây Giang hiện vẫn đang bị sạt lở nặng chưa thể khắc phục.
Trước cơn bão số 5 xảy ra, huyện đã triển khai tổ chức sơ tán 210 hộ/821 nhân khẩu tại các mặt bằng đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn. Sau khi bão đổ bộ vào đất liền, đã xảy ra ngập lụt tại một số thôn, xã. Thôn Tavang, Ahu, Achiing (xã Atiêng) có 34 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa. xã Anông 5 hộ, xã Gari 17 hộ bị bồi lấp... Trên địa bàn huyện 250 nhà bị ngập nước do mưa lớn gây ra và đã kịp thời sơ tán người và di dời tài sản đến nơi cao ráo. Có hơn 200 tua-bin phát điện tại các xã bị cuốn trôi. Ước thiệt hại về nhà cửa, tài sản khoảng 5,3 tỷ đồng.
Sau cơn bão, diện tích lúa nước vụ Hè Thu 2020 tại một số cánh đồng ven sông, suối bị ngập úng và cuốn trôi hơn 103 ha tại 10 xã... Thiệt hại nặng nhất tại xã Axan, có hơn 20% diện tích lúa nước ven sông suối bị đất đá vùi lấp và sạt lở hoàn toàn. Toàn huyện có gần 100ha diện tích cây trồng lâu năm và cây công nghiệp bị cuốn trôi, sạt lở hoàn toàn. Vườn ươm giống cây dược liệu của huyện bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, thiệt hại 1 nhà lồng và 70.000 cây giống chuẩn bị xuất vườn. Do lũ lên nhanh nên đã cuốn trôi nhiều con gia súc, gia cầm của nhân dân, theo số liệu ban đầu khoảng hơn 400 trâu, bò, lợn... gần 4.000 con gia cầm các loại... Gần 10 ha nuôi cá của người dân bị cuốn trôi. Tổng thiệt hại về hoa màu, chăn nuôi ước khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Ông BLing Mia cho biết, trận lũ quét trong cơn bão số 5 vừa qua, gây thiệt hại rất nặng trên địa bàn H. Tây Giang. Hiện nay có 4 xã vùng cao giáp biên giới Việt - Lào đang bị ách tắc giao thông chưa thông tuyến được gồm xã Gari, Ch’ơm, Tr’hy và Axan. Phương án của huyện là đảm bảo lương thực tại chỗ, với phương châm là sẵn sàng chi viện không để cho người dân thiếu lương thực do hậu quả của mưa lũ. Về giao thông huyện đã phối hợp ngành chức năng chủ động lập phương án và bố trí cho các đơn vị nhà thầu túc trực 24/24, nhưng do thời tiết mưa liên tục, khối lượng sạt lở từng vị trí ở xã nên công tác thông tuyến còn hạn chế chưa được triển khai khắc phục kịp thời.
Đến nay, đã thực thông tuyến đường ĐT606 từ đường Hồ Chí Minh đến xã Lăng (đoạn Km 30), đang tập trung nhân lực tiếp tục triển khai khắc phục đảm bảo giao thông tuyến ĐT606, các tuyến đường ĐH, ĐX, giao thông nông thôn, dự kiến đến ngày 27-9-2020 sẽ hoàn thành công tác thông tuyến. Huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ cho nhân dân, các trường học xử lý bùn đất vùi lấp, khôi phục nhà cửa, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân và học sinh sớm được đến trường (đối với các trường học bị vùi lấp). Chỉ đạo các trường học bị ngập nước tại 41 phòng/10 điểm trường học khẩn trương tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường để đảm bảo công tác dạy và học theo chương trình. Tiếp tục rà soát phương án sắp xếp dân cư các mặt bằng có nguy cơ sạt lở cao và các vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn.
UBND các xã đã huy động các lực lượng đoàn thanh niên, dân quân tự vệ cùng với nhân dân sửa chữa các ngôi nhà, phòng học bị ngập và sạt lở. Trước mắt huy động lực lượng xung kích cùng nhân dân thông tuyến tạm thời đường liên thôn, thôn và cắm biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ cao. Huyện đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.
UBND H. Tây Giang đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan hỗ trợ cho huyện nguồn kinh phí để kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 5 gây ra. Trước mắt quan tâm hỗ trợ cho huyện 65 tỷ đồng để kịp thời khắc phục giao thông trên tuyến đường huyết mạch, cầu treo, nước sinh hoạt, thủy lợi, xử lý các điểm giao thông xung yếu, hỗ trợ khôi phục sản xuất cho nhân dân.