Bà Nguyễn Thị Thuý Ái, Q. Trưởng phòng Thông tin, Truyền thông, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc lớp Tập huấn Phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp & đào tạo giảng viên nguồn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Tham gia lớp tập huấn gồm 25 học viên đến từ 10 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Đến với lớp tập huấn, các học viên sẽ được cập nhật các thông tin liên quan đến kịch bản biến đổi khí hậu và các rủi ro thiên tai hiện hành cũng như các phương pháp tiếp cận quản lý rủi ro thiên tai hiệu quả hiện nay.
Ông Lý Phát Việt Linh đại diện Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc UNICEF tại Việt Nam trình bày bài giảng tại lớp Tập huấn Phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp & đào tạo giảng viên nguồn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Đại biểu tham dự lớp Tập huấn Phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp & đào tạo giảng viên nguồn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Đồ Sơn - Hải Phòng từ 12-15/12/2023.
Ngoài ra học viên còn được tăng cường kiến thức trong việc thiết kế và thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai chuẩn bị ứng phó trong trường hợp thiên tai khẩn cấp cũng như các kỹ năng cần thiết để lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện các lớp tập huấn cho lực lượng xung kích cấp cơ sở.
Sau khoá Tập huấn, các học viên sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp để áp dụng được hiệu quả ở địa phương mình, góp phần xây dựng một đội ngũ giảng viên nguồn đáp ứng được các quy định hiện hành. Trong thời gian tới, các học viên có kết quả học tập tốt có thể được huy động để tham gia các khóa đào tạo tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cấp cộng đồng trong khuôn khổ dự án.
Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em” sẽ trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai cho trẻ em, gia đình và cộng đồng ở khu vực miền Trung và ĐBSCL, nhất là tại Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.
Dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) thông qua UNICEF tại Việt Nam có trị giá 5,7 triệu USD. Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế để hỗ trợ cho các hoạt động về ứng phó thiên tai của trẻ em. Trẻ em được xác định là trung tâm của dự án, bởi đây là đối tượng rất nhạy cảm với khí hậu. Thông qua vận động, đề xuất cơ chế chính sách, dự án được xác định sẽ tiếp cận 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi tại Việt Nam. Các đề xuất, kết quả của dự án được thiết kế để đáp ứng hiệu quả các nhu cầu của trẻ em, tập trung vào ứng phó biến đổi khí hậu, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh.