Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Ngày 10/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia; lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ủy ban quốc gia; đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác giảm nhẹ thiên tai… Điểm cầu 63 tỉnh/thành phố có sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo UBND - Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh/thành phố và sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành - thành viên Ban Chỉ huy.

Toàn cảnh Hội nghị

Mục tiêu của hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2023, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN chủ trì Hội nghị

Năm 2023, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như: Động đất ngày 06/02/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng làm trên 55.000 người thiệt mạng; lũ quét do vỡ đập tại Libya làm trên 12.300 người chết và mất tích; lũ lụt trên diện rộng tại Bắc Kinh và một số địa phương của Trung Quốc làm 115 người chết, mất tích; bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm tại 20 bang miền Tây, miền Trung nước Mỹ. Năm 2023 cũng là năm nóng nhất trong lịch sử và kéo dài bất thường ở miền Nam nước Mỹ, Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông, Ấn Độ và một số nước châu Á… Theo báo cáo của Swiss Re (Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ), thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2023 có thể lên tới 260 tỷ USD.

Tại Việt Nam, năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.964 trận thiên tai được thống kê[1]. Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm có thể kể đến như: Đợt mưa lớn từ ngày 2-8/8 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 16 người chết, mất tích; trận lũ ống, lũ quét xảy ra đêm 12/9 - rạng sáng 13/9 tại thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn và huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã làm 9 người chết, mất tích; nhiều vụ sạt trượt, nứt đất ở Tây Nguyên - khu vực vốn rất ít xảy ra sạt lở, làm 6 người thiệt mạng; từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt diện rộng làm 14 người chết, mất tích; nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm, với nhiều đợt nắng nóng kỷ lục vượt giá trị lịch sử ở nhiều địa phương, đặc biệt tại Tương Dương (Nghệ An) là 44,2 độ C- giá trị nhiệt độ cao nhất từng được quan trắc ở Việt Nam…

Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Trong đó, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT báo cáo các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

 Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Uỷ ban Quốc gia, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 3 mặt: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó:

Công tác phòng ngừa thiên tai được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng: Hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo…; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường thông tin, truyền thông và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong PCTT… Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được quan tâm khi năm 2023, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các cuộc họp liên quan, đề xuất và thông qua “Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN”.

Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 16 công điện, Ban Chỉ đạo - Ủy ban Quốc gia, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo ban hành 64 công điện, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ứng phó với các đợt thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ủy ban Quốc gia tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi, nắm bắt sớm các tình huống thiên tai đồng thời phân tích, nhận định, đánh giá diễn biến để đưa ra các biện pháp ứng phó, tham mưu kích hoạt toàn bộ hệ thống PCTT, người dân, cộng đồng vùng thiên tai vào cuộc ngay sau khi có thông tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở[2]. Sau mỗi đợt thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, cũng như ý kiến từ đại diện các tổ chức quốc tế... Phát biểu tại Hội nghị, Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam / Đồng chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt và lâu dài giữa Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ NN & PTNT và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai với Liên hợp quốc và các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế khác. Đại diện các thành viên của Đối tác GNRRTT, Bà cam kết sẽ thúc đẩy các ưu tiên trong Kế hoạch công tác 5 năm của Đối tác, đặc biệt là ưu tiên tài trợ rủi ro thiên tai và thể chế hóa các hành động sớm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường báo cáo nhận định tình hình thiên tai năm 2024

Về tình hình thiên tai từ nay tới cuối năm 2024, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: hiện tượng ENSO - chỉ thay đổi nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương - đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80-85%. Từ tháng 7-9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60-65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm. Chúng tôi đánh giá việc chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như: Mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn. Năm 2024 dự báo có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay. Từ nay đến nửa đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới mà tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11/2024. Các lưu vực sông Trung Bộ, Tây Nguyên mùa lũ dự báo xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở báo động 1-2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở báo động 2-3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở trên báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Trước dự báo trên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chủ động phương án ứng phó với việc chuyển đổi trạng thái thời tiết từ El Nino sang La Nina. Cơ quan khí tượng cần nâng cao khả năng dự báo hơn nữa để các cấp chính quyền có chỉ đạo phòng chống phù hợp.

Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023 là năm đặc biệt không có cơn bão nào đổ vào Việt Nam nhưng chúng ta phải ứng phó với nhiều tình huống thiên tai khác như El Nino nhưng lại ngập cục bộ và nóng kỷ lục trong vài chục năm trở lại đây. Vì lý do đó, xâm nhập mặn và sạt lở diễn ra phức tạp.

Phó Thủ tướng đánh giá: “Trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình, chủ động trong triển khai biện pháp ứng phó với thiên tai; chất lượng dự báo khí tượng thủy văn có tiến bộ. Chúng ta đã chủ động trong nhiều việc như dự báo tình hình và triển khai biện pháp ứng phó giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; đồng thời đã điều chỉnh kịp thời cơ chế chính sách về PCTT, đặc biệt là hệ thống phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra những tồn tại và những việc cần lưu ý là nhận thức của người dân và một số cán bộ còn hạn chế, lơ là trước thiên tai; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng làm tốt; một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, không còn phù hợp; trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu thiên tai của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Trên cơ sở tình hình thực tế và nhận định xu hướng thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng chỉ ra 9 đầu việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN đảm bảo hiệu quả, nhanh hơn, mạnh hơn; Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về công tác PCTT; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ làm công tác PCTT bằng những hình thức mới và hiệu quả hơn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát , bổ sung kịch bản, kế hoạch PCTT hợp lý nhất;

Cùng với đó, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cần tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chuẩn xác nhất cỏ thể; Nâng cao năng lực điều hành PCTT của từng địa phương; Cố gắng huy động nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT, khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Thủ tướng mong các cơ quan quốc tế tăng cường trao đổi thông tin; hỗ trợ trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là công tác dự báo.

______________

[1] Bao gồm 05 cơn bão, 03 ATNĐ; 229 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 509 trận dông lốc, sét, mưa đá; 817 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 346 trận động đất; 25 đợt rét đậm, rét hại; 30 trận gió mạnh, sóng lớn trên biển.

[2] Bao gồm: 4.500 tỷ đồng cho 30 tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở; 4.000 tỷ đồng cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

VPTT BCĐ QG PCTT