Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhìn lại kết quả hàn khẩu đê tả sông Đuống trong trận lũ lịch sử năm 1971 và những câu hỏi lớn đặt ra

Năm 1971 lũ sông Hồng đã lên đỉnh cao chưa từng thấy trong lịch sử (xấp xỉ 0,2%). Từ giữa tháng 08/1971 tại Hà Nội, mực nước đã lên đến cao trình +13,7m.


Tháng 8/1971, đê Tả sông Đuống tại cống Thôn thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách cầu Đuống khoảng 800m về phía hạ lưu bị rò rỉ nước nhưng không được xử lý ngay nên sau khoảng 3 giờ đê ở đây bắt đầu vỡ. Nước lũ sông Đuống bắt đầu ngập thị trấn Yên Viên, các xã thuộc huyện Gia Lâm rồi lan sang các huyện Từ Sơn, Tiên Du, thị xã Bắc Ninh và huyện Quế Võ.

Trước tình hình đó, ngày 28/08/1971 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tổ chức hàn khẩu đê cống Thôn, bao gồm quyết định thành lập Ban chỉ huy hàn khẩu đê cống Thôn và huy động lực lượng thực hiện công tác hàn khẩu đê.

Giải pháp kỹ thuật hàn khẩu đê:

 

- Các giải pháp kỹ thuật gia cố chi tiết:

+) Gia cố hai bên mố đê

+) Đắp ở hai đầu tuyến hàn khẩu

+) Đắp ở hai nhánh tuyến hàn khẩu

 

- Một số thiết bị thả đá khác:

+) Dùng xà lan xả đáy

+) Dùng máy bay trực thăng Mi-6

Công việc hàn khẩu đê cống Thôn hết sức khó khăn gian khổ, tốn kém sức người, sức của trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ rất nghèo đói, khó khăn trăm bề nhưng hiệu quả thực sự rất hạn chế. Cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào, một tổ chức nào đứng ra để đánh giá thật cụ thể thật rõ ràng để rút ra những bài học kinh nghiệm, để xem xét giúp nhà nước ra những quyết định đúng đắn nếu xẩy ra những sự việc tương tự.

Tôi là một trong số ít những người đến nay còn sống được giao nhiệm vụ tham gia vào việc hàn khẩu đê cống Thôn cho đến phút cuối cùng. Qua bài viết này tôi muốn đưa ra một số câu hỏi lớn để các cơ quan tham mưu cho nhà nước về phòng chống thiên tai nghiên cứu và xem xét.

1) Nếu xảy ra vỡ đê ở bất cứ một con sông nào từ Hà Tĩnh trở ra thì chúng ta có quyết định cho hàn khẩu không. Bởi vì đất nước ta bây giờ đã phát triển gấp nhiều lần so với năm 1971. Có thể nói hầu hết các vùng được đê bảo vệ có các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và dân dụng có giá trị hàng tỷ USD và hàng vạn dân cư sinh sống.

2) Nếu quyết định phải hàn khẩu đê thì thời điểm nào là thích hợp. Chúng ta có nên hàn khẩu đê lúc độ chênh mực nước ngoài sông và trong đồng đang quá cao không hoặc nếu quyết định hàn khẩu đê quá muộn thì có mang lại kết quả thực tế gì không.

Nhân đây, tôi xin trích một đoạn trong thư của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh gửi Thủ tướng Chính phủ để ngày 18 tháng 03 năm 1981 như sau: “.... Phải lo hết sức giữ đê, kiên quyết không để đê vỡ, nhưng khi đã vỡ đê lớn xin đừng đốc thúc hàn khẩu (nhất là các đê cao, chênh lệch mực nước rất lớn, nền đất xấu). Vì không nên chồng thêm tổn thất, tốn kém một cách vô ích. Sở dĩ việc này phải báo cáo trước, vì thường khi hữu sự xẩy ra không ai còn giám đề cấp đến .... ”

3) Nếu quyết định hàn khẩu đê thì giải pháp kỹ thuật hàn khẩu đê nào là thích hợp trong điều kiện mặt bằng không có, bị nước bao vây không có đường vận chuyển thiết bị và vật liệu, nhân lực, khó khăn về việc hậu cần.

Ngay như đê cống Thôn thuộc Hà Nội có Trung ương bên cạnh, có đường sắt, đường bộ, có cả vùng nội thành và các vùng kinh tế rộng lớn ở phía Nam sông Đuống mà vẫn rất khó khăn, chật vật. Còn nếu xẩy ra ở vùng xa thì khó khăn sẽ gấp nhiều lần.

Vấn đề này nếu cần thiết thì phải có các nghiên cứu cụ thể về các giải pháp kỹ thuật và phương tiện cũng như thiết bị (xà lan, ô tô, máy bay trực thăng, cần cẩu đặt trên ụ nổi, ...).

4) Cần chuẩn bị sẵn các vật liệu, thiết bị phục vụ cho việc hàn khẩu. Cụ thể như rọ đá, các khối bê tông đúc sẵn, bao tải đất, cát, sỏi, ... Từng tuyến được đặt ở đâu là thích hợp.

5) Nếu xẩy ra sự cố vỡ đê cần hàn khẩu thì việc tổ chức bộ máy công trường, huy động lực lượng như thế nào là hiệu quả và thích hợp nhất. Cấp chính quyền nào là cơ quan thẩm quyền để quyết định việc này.

Mùa mưa đang đến rất gần, công việc bảo vệ đê điều luôn đưa đến những thách thức lớn. Từ những kinh nghiệm thực tế đã làm, tôi mạnh dạn đưa ra một số câu hỏi lớn để các cơ quan có trách nhiệm xem xét để tránh được những lúng túng khi xẩy ra sự cố tương tự.

KSCC Hoàng Xuân Hồng

Phó Ban KHCN – Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam

 

Vụ KHCN & HTQT tổng hợp