Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mưa bão và nắng nóng: Các con số về thiên tai trong 6 tháng đầu năm 2019

Các trận Bão ở Mozambique và Ấn Độ đã khiến cho nhiều người thiệt mạng và gây tổn thất hàng tỷ Đô la, một lần nữa lại làm dấy lên yêu cầu cấp thiết về tăng cường khả năng chống chịu trước các hậu quả tàn khốc của thiên tai. Các trận lốc xoáy ở Mỹ, các trận bão nghiêm trọng ở châu Âu và lũ lụt ở Úc là những thiên tai gây thiệt hại, tổn thất vô cùng to lớn ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Do các yếu tố bất thường, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi toàn cầu trong 6 tháng đầu năm thấp hơn mức thiệt hại trung bình do thiên tai trong nhiều năm


Theo ông Torsten Jeworrek, thành viên Ban quản trị của tập đoàn Munich RE, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về tái bảo hiểm, bảo hiểm và các giải pháp rủi ro liên quan đến bảo hiểm: “Trong 6 tháng đầu năm 2019, thiên tai ở các nước nghèo thật đáng lo ngại vì các nạn nhân thường không tham gia bảo hiểm. Bão Idai xảy ra ở Mozambique là trận bão gây thiệt hại to lớn cho đất nước hơn cả trận động đất Tohoku – thiên tai gây tổn thất lớn nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản năm 2011. Hầu như không được bảo hiểm, nên rất ít những người bị ảnh hưởng có thể nhận được hỗ trợ tài chính kịp thời để khắc phục tình trạng mất mát tài sản.  Kinh nghiệm cho thấy các quốc gia như vậy thường mất nhiều năm mới có thể phục hồi lại sau thiên tai. Do đó, ngành bảo hiểm cần thúc đẩy quan hệ đối tác với các chính phủ và các ngân hàng phát triển để cung cấp các hỗ trợ quy mô lớn hơn cho các quốc gia như Mozambique”.

Khái quát các số liệu về thiên tai trong 6 tháng đầu năm 2019

Thống kê cho thấy có tất cả 370 trận thiên tai đã gây nên tổng thiệt hại là 42 tỷ Đô la Mỹ, là con số sau khi điều chỉnh dựa trên tỉ lệ lạm phát, thấp hơn mức trung bình trong vòng 30 năm là 69 tỷ Đô la Mỹ. Tuy nhiên, thiệt hại do trận lụt nghiêm trọng ở phía đông nam Trung Quốc vào tháng 6 được báo cáo là gây thiệt hại hàng tỷ Đô la, lại không được tính vào con số này.

Tổng thiệt hại được bảo hiểm là 15 tỷ Đô la Mỹ, thấp hơn mức trung bình nhiều năm là 18 tỷ Đô la Mỹ. Trong nhiều trận thiên tai, thiệt hại kinh tế được bảo hiểm là cực kỳ nhỏ trong tổng thiệt hại do thiên tai, do tỉ lệ tham gia bảo hiểm thấp ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Có khoảng 4.200 người thiệt mạng do thiên tai. Con số này tương tự như năm trước đó (khoảng 4.300 người). Tuy nhiên, ít nhất số người chết có xu hướng giảm dần nhờ có các biện pháp bảo vệ hiệu quả hơn: số người chết trung bình trong 6 tháng đầu năm do thiên tai trong vòng hơn 30 năm qua là hơn 27.000 người.

Thảm họa thiên tai lớn nhất trên thế giới cho đến thời điểm cuối tháng 6 là Bão Idai. Bão Idai đã quét qua Mozambique, Ma-la-uy, Zimbabwe và Nam Phi trong thời gian từ ngày 9 – 14 tháng 3. Hơn 1.000 người đã thiệt mạng do trận bão này.

Tháng 5 năm nay, các trận bão kèm theo lốc xoáy ở khu vực Trung Tây Hoa Kỳ đã gây ra thiệt hại nặng nề hơn cả với tổng thiệt hại là 3,3 tỷ Đô la Mỹ. Giá trị thiệt hại được bảo hiểm lên tới 2,5 tỷ Đô la Mỹ.

Thiệt hại hàng tỷ Đô la ở các nước nghèo - Cần có sự hỗ trợ của các đối tác

Một con số đáng kinh ngạc trong những số liệu thống kê nửa đầu năm 2019 là mức độ tổn thất kinh tế to lớn của các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ba trong số năm trận thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề nhất đổ bộ vào các quốc gia đang phát triển. Đó là trận lụt ở Iran (tổng thiệt hại kinh tế ước tính 2,5 tỉ Đô la Mỹ) và Bão Fani gây bão lũ ở Ấn độ và Bangladesh hồi tháng 5 gây thiệt hại kinh tế ước tính 2,2 tỉ Đô la Mỹ

Mozambique, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi thiên tai hồi tháng 3. Trận bão Idai đã đổ bộ gần cảng Beira (nơi có 500.000 dân sinh sống). Với tốc độ gió xấp xỉ 170 km/h, cơn bão đã phá hủy một số lượng lớn nhà ở và các tòa nhà, hầu hết là các ngôi nhà có kết cấu tạm bợ và đơn sơ. Ngoài ra, cùng với lượng mưa lớn, sóng dâng do bão đã gây ra nên tình trạng ngập lụt trên toàn bộ địa hình ven biển bằng phẳng và ngập sâu vào trong đất liền. Tổng thiệt hại của Mozambique và các nước láng giềng trong trận bão này lên tới khoảng 2 tỷ Đô la Mỹ. Tổn thất này của Mozambique tương đương với khoảng 1/10 GDP của đất nước – đúng là một gánh nặng kinh tế rất lớn đối với quốc gia này. Có thể so sánh trận động đất Tohoku ở Nhật Bản năm 2011 đã gây thiệt hại trực tiếp là 210 tỷ Đô la Mỹ, tương ứng với khoảng 3,4% GDP của Nhật Bản. Chỉ vài tuần sau đó, Mozambique lại một lần nữa hứng chịu một trận bão khác, lần này là Bão Kenneth, đã đổ bộ vào phía bắc của một khu vực ít dân cư. Tổng thiệt hại ước tính 230 triệu Đô la Mỹ.

Ernst Rauch, Trưởng ban Khí hậu và là Nhà địa chất học làm việc tại Bảo hiểm Munich Re, đã nói: “Ví dụ, ở khu vực Caribbean, các giải pháp bảo hiểm có sự hợp tác của chính phủ và các Ngân hàng phát triển sẽ có thể hỗ trợ tài chính cho người bị ảnh hưởng trước khi các chương trình cứu trợ nhân đạo quốc tế tham gia. Một giải pháp tương tự như vậy cũng sẽ có ý nghĩa đối với Mozambique. Nhưng đối với các quốc gia công nghiệp phát triển thì các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn là hết sức cần thiết. Chúng tôi đang nỗ lực một cách có hệ thống để cải thiện các công cụ phân tích của mình để có thể đánh giá rủi ro một cách chính xác hơn và qua đó phát triển các giải pháp mới để cho phép chúng tôi tiếp nhận rủi ro”.

Vô số các trận bão nghiêm trọng đã xảy ra ở Mỹ

Tại Mỹ, một loạt các trận bão lớn đã xảy ra vào mùa xuân và gây nên những thiệt hại hết sức to lớn. Mùa lốc xoáy năm nay hoạt động mạnh hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là vào tháng 5: theo NOAA, Cơ quan khí tượng thời tiết Hoa Kỳ, hơn 1.200 trận lốc xoáy đã xảy ra tính vào cuối tháng 6. Con số này cao hơn khoảng 1/5 lần so với mức trung bình cùng kỳ của giai đoạn 2005- 2015. Mặc dù mùa lốc xoáy năm nay diễn ra dữ dội hơn nhiều, thiệt hại do các trận lốc xoáy gây ra trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ là gần 7,5 tỷ Đô la Mỹ, thấp hơn mức thiệt hại trung bình 10 tỷ Đô la Mỹ trong vòng một thập kỷ vừa qua.

Các đợt nắng nóng và mưa đá dữ dội ở châu Âu

Sự kết hợp của nền nhiệt độ cao và một đợt nắng nóng dữ dội trong vòng 10 ngày cuối tháng và các trận bão nghiêm trọng cùng mưa đá lớn đã gây ra những tổn thất nặng nề ở khu vực châu Âu vào tháng 6 vừa qua. Đó là tháng khô và nóng kỷ lục ở Đức. Hạn hán đồng nghĩa với ngành nông nghiệp Châu Âu hứng chịu cảnh mất mùa nặng nề do một số loại ngũ cốc không thể phát triển cũng như khoai tây và ngô bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở các khu vực khác nhau.

Tệ hơn nữa, bên cạnh nắng nóng còn có mưa bão và mưa đá diễn ra nghiêm trọng. Ví dụ vào Thứ Hai Whit (ngày 10 tháng 6) ở Đức và các nước láng giềng, khu vực Munich rộng lớn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng với trận mưa đá lên đến đường kính 6 cm. Theo Hiệp hội các công ty bảo hiểm Đức (GDV), đã có hơn 100.000 đơn yêu cầu bồi thường chi trả bảo hiểm cho các trường hợp xe cộ và nhà ở bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại trên toàn châu Âu lên tới hơn 900 triệu Euro, trong đó hơn 75% được bảo hiểm do tỉ lệ tham gia bảo hiểm do mưa đá khá cao. Hầu như các trường hợp tổn thất và thiệt hại do mưa đá được báo cáo xảy ra tại Đức.

Vào đầu tháng 7, đã có thêm các trận mưa đá lớn tấn công bờ biển Adriatic ở Ý và Hy Lạp, trong một số trường hợp mưa đá to như một quả cam. Hiện chưa có số liệu tin cậy về tổn thất ước tính.

Ernst Rauch đã nhận xét: “Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy các đợt nắng nóng và số lượng các trận mưa đá gia tăng đã và đang tăng lên do biến đổi khí hậu. Nếu xét về thiệt hại tiềm tàng và mức độ gia tăng khả năng bị ảnh hưởng của tài sản, các công ty bảo hiểm rất cần nhận thức được những biến đổi này. Trong mọi trường hợp, các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương cũng như thiệt hại và tổn thất là việc làm rất có ý nghĩa tốt vì chúng ta phải nhận thức rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới và trong nhiều thập kỷ tới.”

Khu vực Châu Á/Thái Bình Dương: Lũ lụt ở Úc

Khu vực Châu Á/Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi khá nhiều trận thiên tai trong 6 tháng đầu năm 2019. Tổng thiệt hại của các trận thiên tai này là 16 tỷ Đô la Mỹ, tương đương ½ mức trung bình nhiều năm (33 tỷ Đô la Mỹ). Thiên tai gây thiệt hại kinh tế lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm là trận lũ nghiêm trọng ở Queensland, một bang nằm ở phía đông bắc nước Úc, gây tổng thiệt hại lên đến gần 2 tỷ Đô la Mỹ, trong đó giá trị được bảo hiểm không đến 1 tỷ Đô la Mỹ. Ở khu vực gần Townsville, một số lượng lớn các tòa nhà đã bị ngập sâu sau trận mưa lớn vào cuối đợt nắng nóng khốc liệt. Sông Flinders xuôi về phía Tây đã bị vỡ bờ và tràn sâu vào đất liền hơn 35 dặm (60 km). Hàng trăm ngàn gia súc đã bị chết - một tổn thất hết sức nặng nề cho ngành nông nghiệp. 

Website của Munich RE