Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng kiểm tra chỉ đạo phòng, chống bão số 3 tại Ninh Bình

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 16h chiều 21/7, đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Đặc khu Cô Tô và Cát Hải có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.


Tâm bão số 3 cách Quảng Ninh 100km, cách Hải Phòng 220km, cách Hưng Yên 240km, cách Ninh Bình 270km. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) chỉ đạo phòng, chống bão số 3 tại Ninh Bình, chiều 21/7.

Đến 13 giờ ngày 22/7, tâm bão dự báo nằm trên vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, tại khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc và 106,6 độ Kinh Đông. Cường độ bão giữ nguyên ở cấp 10-11, giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm mở rộng về phía Tây, nằm phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Các khu vực chịu ảnh hưởng bao gồm vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và cả đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Đến 13 giờ ngày 23/7, bão được dự báo tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu dần thành một vùng áp thấp nằm trên khu vực Thượng Lào. Cường độ lúc này giảm xuống dưới cấp 6.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền như Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa: gió cấp 6, giật cấp 7-8.

Từ 21-23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có tổng lượng mưa 200–350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 3 ngày khoảng 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó bão của tỉnh Ninh Bình, đồng thời, ông đề nghị tỉnh chú ý đến những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, đặc biệt có kế hoạch di dời những hộ dân có nhà ở kém an toàn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (hàng đầu, bên phải) kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Đồn biên phòng Hải Thịnh, Ninh Bình.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh, các ban quản lý cảng cá tuyệt đối không cho tàu cá di chuyển ra khơi trong thời gian ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cắt cử cán bộ chuyên ngành xuống trực tiếp tại các xã. 

Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Tiến cho biết, thời gian vừa qua, chính quyền hai cấp đã thực hiện triển khai tại nhiều địa phương, do đó, chính quyền cấp xã hiện một số nơi còn nhiều lúng túng

Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến kiểm tra kho vật tư.

Trước tình hình khẩn cấp, để ứng phó với cơn bão diễn biến phức tạp với sức gió trên đất liền được dự báo lên đến cấp 10, Cục đã chủ động xây dựng nhiều phương án và cắt cử cán bộ chuyên ngành xuống trực tiếp tại các xã.

Tính đến thời điểm chiều 21/7, có ba xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có cán bộ trực chiến của Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai.

Báo Nông nghiệp Môi trường