Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Hải Dương

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài Chính, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiếu tướng Doãn Thái Đức – Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2020 tại tỉnh Hải Dương. Tham gia đoàn công tác có: đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TWPCTT; Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN.


Về phía tỉnh Hải Dương, dự cuộc làm việc có: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái và đại diện các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Hải Dương tập trung vào một số nội dung chính cần chú ý như:

Hệ thống công trình đê điều của tỉnh khá lớn, gồm: 19 tuyến đê với tổng chiều dài xấp xỉ 374 km. Hầu hết các đoạn đê từ cấp III trở lên và các đoạn đê thượng, trung lưu của đê dưới cấp III đã đủ độ cao gia thăng so với mực nước thiết kế; còn 8 km thuộc các tuyến đê ở hạ lưu mặt còn rất nhỏ và cao trình thấp hơn mực nước thiết kế, đặc biệt là đê hạ lưu thị xã Kinh Môn và đê tả sông Thương TP. Chí Linh. Đáng chú ý, đến nay, hệ thống đê điều của tỉnh còn 219 km đê chưa đảm bảo mặt cắt thiết kế theo tiêu chuẩn; 15 km kè, bờ lở cần xây dựng, sửa chữa; 71 cống dưới đê đã hư hỏng cần xây dựng thay thế; 65 km đường hành lang cần sửa chữa, xây mới.

Năm 2020, ngân sách địa phương xử lý cấp bách 5 kè với tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Hiện nay các công trình đã thi công xong, bàn giao đưa vào chống lũ năm 2020.

Về quỹ phòng, chống thiên tai, hiện thu quỹ được thực hiện theo quy định. Tổng số thu quỹ trên địa bàn tỉnh tính đến 5/8/2020 là hơn 52 tỷ đồng, đạt hơn 94% kế hoạch giao. Trong 3 năm (từ 2018-2020) tỉnh Hải Dương đã trích quỹ hơn 19 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai và tu sửa khẩn cấp.

Do còn nhiều khó khăn, nên tỉnh Hải Dương kiến nghị mong muốn được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương cho tỉnh để xử lý cấp bách hệ thống công trình đê điều năm 2020, với tổng kinh phí khoảng 360 tỷ đồng.

Kết luận tại buổi làm việc Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong triển khai công tác phòng chống thiên tai và chỉ ra địa phương cần có phương án để chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu. “Các giải pháp của địa phương đề ra, như khơi thông dòng chảy, di chuyển dân cư vào các thời điểm nhất định, các giải pháp khác, tỉnh đã triển khai hiệu quả và đảm bảo an toàn thời gian qua, nhất là hệ thống đê điều, đảm bảo an toàn cho người dân. Tỉnh cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới”, Bộ trưởng tin tưởng rằng cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động nguồn lực của địa phương, đặc biệt là với kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hải Dương tiếp tục đạt nhiều kết quả trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội trên địa bàn.

 Bộ trưởng Bộ Tài Chính phát biểu tại cuộc làm việc về phòng chống thiên tai tại Hải Dương

Tại buổi làm việc, Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phát biểu: trước diễn biến mưa lũ lớn xảy ra ở các nước láng giềng, ở Việt Nam đã vào mùa mưa lũ và thực tế tỉnh Hải Dương có 20 trọng điểm xung yếu, 161km đê với chiều rộng còn bé, 32km đê còn thấp; sạt lở 12 đoạn sát đê, hồ chứa nước nhỏ, hệ thống tiêu thoát bất cập. Để sẵn sàng triển khai ứng phó thiên tai trong thời gian tới tỉnh hải Dương cần triển khai các công việc sau:

Bảo vệ hệ thống đê: xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, nhất là các cống; tổ chức tuần tra, canh gác, xử lý sự cố giờ đầu, sẵn sàng các phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm xung yếu; kiểm tra vật tư, phương tiện, nhân lực đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình đã được bố trí kinh phí; khơi thông dòng chảy, xử lý các công trình làm co hẹp lòng dẫn; chuẩn bị sẵn sàng hoạt động của các trạm bơm, cống tiêu; sẵn sàng sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID 19; thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về công tác phòng, chống thiên tai, đưa vào văn kiện đại hội; Nghị quyết 76 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; ngăn chặn vi phạm đê điều, công trình thủy lợi; hoàn thiện nâng cấp cơ quan thường trực đầu não, trang bị công cụ hỗ trợ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành; bố trí kinh phí địa phương, hỗ trợ của Trung ương để xử lý các trọng điểm xung yếu; tổ chức thu, chi, quản lý nâng cao hiệu quả của quỹ phòng chống thiên tai; nâng cấp hệ thống đê, hồ chứa từ các nguồn trong và ngoài nước.


Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Tài chính cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra các tuyến đê hữu sông Rạng thuộc địa bàn xã Thanh Lang (Thanh Hà), hữu sông Thái Bình thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương). Các tuyến đê này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số đoạn có mái đê dốc đứng.

Đoàn kiểm tra tuyến đê cấp 1 đê Hữu sông Thái Bình, tỉnh Hải Dương

Văn Minh