Khóa tập huấn được tổ chức nhằm xây dựng nguồn giảng viên cho Việt Nam về ASEAN-ERAT. Nhóm giảng viên này sau đó sẽ là giảng viên cho các khóa tập huấn về địa phương hóa ASEAN – ERAT cho các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai tại cấp tỉnh ở Việt Nam nhằm tăng cường năng lực ứng phó, hỗ trợ triển khai công tác hỗ trợ nhân đạo trong tình huống khẩn thiên tai khẩn cấp.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT phát biểu khai mạc
Là một trong những cơ chế hợp tác mang tính hành động thiết thực trong khu vực, ASEAN-ERAT được thành lập theo sự đồng thuận của 10 nước ASEAN để tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực của các nước thành viên, đảm bảo ứng phó nhanh, đồng bộ, thống nhất trong nội khối, phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực trong việc hỗ trợ nước thành viên bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai. Hình ảnh và vai trò của ASEAN-ERAT ngày càng nổi bật, cũng như những yêu cầu đặt ra về phạm vi công việc, trách nhiệm, kĩ năng, kiến thức và bản lĩnh của các thành viên cũng được đòi hỏi cao hơn. Có thể nói không quá rằng, ASEAN-ERAT đã dần trở thành biểu tượng của hợp tác ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và biểu tượng của tình hợp tác hữu nghị, hỗ trợ tin cậy của các nước ASEAN.
Tầm quan trọng của ASEAN-ERAT đã được các Nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh thông qua “Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, Một ứng phó: ASEAN ứng phó với thiên tai trong và ngoài khu vực như một thực thể thống nhất”, Tuyên bố này đã được các Nhà lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 9 năm 2016. Thông qua Tuyên bố, các Nhà lãnh đạo ASEAN “xác nhận ASEAN-ERAT là nguồn lực chính thức của ASEAN trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (ADDMER), do Trung tâm AHA quản lý và điều phối”.
Ông Lee Yam Ming, Giám đốc điều hành Trung tâm điều phối ASEAN về nhân đạo thiên tai
Với mong muốn công tác ứng phó do quốc gia chủ trì mạnh mẽ hơn, Trung tâm AHA hỗ trợ các nước ASEAN triển khai dự án địa phương hóa ASEAN-ERAT để tăng cường khả năng ứng phó của địa phương tại một số các quốc gia thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam. Thông qua tập huấn, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết để hỗ trợ công tác giảng viên dự kiến thực hiện vào năm 2024.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Nhóm Đánh giá và Ứng phó Khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT) được thành lập để hỗ trợ cơ quan quản lý thiên tai của quốc gia bị ảnh hưởng trong giai đoạn đầu của ứng phó thiên tai. Bất cứ khi nào có thiên tai xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, các thành viên ASEAN-ERAT sẵn sàng triển khai trong vòng 8 giờ sau khi cảnh báo khẩn cấp được kích hoạt hoặc dựa trên yêu cầu của quốc gia bị ảnh hưởng.
Tính đến tháng 1/2020, 141 thành viên ASEAN-ERAT đã được triển khai tới 28 trường hợp khẩn cấp tại 7 quốc gia ASEAN. Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF) hỗ trợ Trung tâm AHA các hoạt động tăng cường năng lực của ASEAN-ERAT để hoàn thành nhiệm vụ của mình.