Trong trường hợp của ĐBSCL, các thay đổi tập trung chủ yếu trong một khoảng thời gian ngắn, cụ thể là trong hai đến ba thập kỷ vừa qua, các tác động ở các vùng đồng bằng khác, nếu xảy ra sớm hơn, thì cũng thay đổi trong một khoảng thời gian kéo dài hơn năm đến mười thập kỷ hoặc lâu hơn nữa. Ví dụ điển hình như Hà Lan, cùng với các quốc gia ở thượng lưu đồng bằng sông RhineMeuse, đã cấm khai thác cát sông từ đầu thế kỷ 20 khi họ nhận ra rằng cát không còn có thể được bồi hoàn bởi các con sông bồi đắp nên đồng bằng nữa. Hầu hết các quốc gia phương Tây (Pháp, Anh, Mỹ) và Trung Quốc đã cấm khai thác cát trong sông và trên bờ biển và hiện tại các quốc gia này sản xuất cát nghiền từ các mỏ đá. Người ta còn công nhận rằng, nếu họ hiểu và đánh giá được các tác động của khai thác cát đối với khả năng phục hồi của đồng bằng sớm hơn, thì họ đã hành động sớm hơn nữa, vì một số tác động đã không thể đảo ngược và phải dùng một hệ thống cơ sở hạ tầng cứng để giảm thiểu các tác động đó, những cơ sở hạ tầng này rất tốn kém để xây dựng và bảo trì.
Nếu không có một kế hoạch khai thác phù hợp ở ĐBSCL thì có thể làm nghiêm trọng hơn sự mất ổn định của bờ sông (sạt lở bờ sông) và xói lở bờ biển, cũng như các nguy cơ về nước, bao gồm khả năng chống chịu lũ lụt và nguồn cung nước ngọt. Dựa trên các dự báo về độ mặn ở đồng bằng (Eslami và cộng sự, 2021), việc sẽ mất đi nửa tỷ m3 trầm tích trong hệ thống lòng sông chịu ảnh hưởng thủy triều có thể làm tăng thêm 10- 15% diện tích bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Tốc độ suy thoái lòng sông được ghi nhận sâu hơn trong khoảng từ 10 đến 20 cm/năm (Eslami và cộng sự, 2019; Vasilopoulos và cộng sự, 2021) trong 20 năm vừa qua dẫn đến khuếch đại thủy triều (2cm/năm) và xâm nhập mặn (0,2-0,5 đơn vị độ mặn thực tế - PSU/năm) gây ra những hệ quả xa hơn về ngập lụt ở đô thị và xói lở bờ sông./.