Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Họp triển khai ứng phó với bão khẩn cấp (Cơn bão số 6)

Ngày 10/11/2019, tại VPTT Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục họp với các Bộ, ngành triển khai công tác ứng phó với BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 6)


Tổng cục trưởng - Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ Quốc phòng, Công an, Công thương, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm KTTV Quốc gia và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Toàn cảnh cuộc họp ứng phó với cơn bão số 6 (Nakri)

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Ngãi – Khánh Hòa đêm ngày 10/11, rạng sáng ngày 11/11/2019. Khi đổ bộ cường độ bão sẽ vào khoảng cấp 10-11, giật cấp 12-13, kết hợp với nước dâng do bão và thủy triều đang ở mức cao, sóng biển sẽ rất lớn. Khả năng cơn bão số 6 sẽ gây ra mưa lớn, ngập lụt và lũ trên một số lưu vực sông tại khu vực ảnh hưởng.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

- Về tình hình hồ chứa:
+ Khu vực Nam Trung Bộ còn ở mức thấp, dung tích bình quân đạt từ 55%-75%, Có 6 hồ đang xả: Vĩnh Trinh xả 5m3/s (Quảng Nam); Định Bình xả 30 m3/s, Cẩn Hậu xả 5 m3/s (Bình Định); Đồng Tròn xả 10 m3/s, Phú Xuân xả 10 m3/s, Suối Vực xả 5 m3/s (Phú Yên). Hiện còn 24 hồ chứa bị hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp;
+ Khu vực Tây Nguyên dung tích bình quân đạt từ 80%-90%, có 5 hồ đang xả: Đắk Uy xả 15 m3/s (Kon Tum); Ayun Hạ 50 m3/s, Ia MLá 20 m3/s (Gia Lai); Ea Soup Thượng xả 15 m3/s, Krông Buk Hạ xả 15 m3/s (Đắk Lắk). Hiện còn 41 hồ chứa bị hư hỏng và 23 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
+ 02 hồ chứa thủy điện đang xả tràn: Sông Ba Hạ (100 m3/s; Sông Bung 6: 89 m3/s)
- Về tình hình tầu, thuyền: Đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão, trong đó:
+ Hoạt động, neo đậu tại khu vực giữa Biển Đông: 108 tàu/2.729 lao động (các tàu đã nắm được thông tin và đã vào trú tránh tại các đảo hoặc di chuyển xuống phía Nam để tránh bão);
+ Hoạt động ven bờ, các vùng biển khác: 5.963 tàu/34.031 lao động;
+ Neo đậu tại bến: 41.286 tàu/206.303 lao động;
+ Đã thông báo, hướng dẫn di chuyển, gia cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho 123.729 lòng bè nuôi trồng thủy sản/9.566 lao động.
- Về đê điều:
+ Sự cố sạt lở 200m kè biển Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định: UBND tỉnh đã huy động lực lượng tiến hành đắp bao cát, gia cố tạm đoạn kè bị sạt lở, hư hỏng;
+ Sự cố sạt mái tuyến đê Đông, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định trên chiều dài 127m: Địa phương đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố;
+ Các trọng điểm đê kè biển xung yếu: cần quan tâm 11 vị trí (Quảng Nam: 02, Quảng Ngãi: 02, Bình Định: 02, Khánh Hòa: 03, Ninh Thuận: 02);
+ Công trình đang thi công: 02 tuyến kè biển (Quảng Ngãi: 01, Ninh Thuận: 01).
- Về sản xuất nông nghiệp:
+ Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ: diện tích lúa chưa thu hoạch 56.482 ha;
+ Các tỉnh vùng Tây Nguyên: diện tích lúa chưa thu hoạch 19.793 ha.

Trực ban VPTT Ban Chỉ đạo TW về PCTT báo cáo tình hình tại cuộc họp

Đại diện các đơn vị cũng đã báo cáo tình hình triển khai các hoạt động ứng phó với cơn bão số 6 tại cuộc họp. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp. Bộ Công an cũng đã có các phương án để di dời dân tại các nơi xung yếu, nguy hiểm, khu vực nuôi trồng thủy sản, bảo vệ tài sản của nhân dân trong lúc di dời tránh bão với tinh thần quyết liệt,... ngoài ra các Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Ngoại giao cũng đã có những báo cáo tình hình triển khai cụ thể việc ứng phó với cơn bão số 6.

Đại diện các đơn vị báo cáo tình hình ứng phó với bão số 6 tại cuộc họp

Kết luận tại cuộc họp, Tổng cục trưởng - Phó trưởng ban Trần Quang Hoài đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trong việc chủ động ứng phó với bão số 6. Đồng thời, nhấn mạnh việc di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, bảo vệ tài sản của người dân cần phải triển khai quyết liệt. Việc cắt cử lực lượng canh gác tại các điểm nguy cơ ngập, xảy ra cây đổ và đường điện để cảnh báo người dân tránh các tai nạn đáng tiếc. Cơn bão này gần như ngay sau cơn bão số 5 đã gây ra những thiệt hại đáng kể lại đúng vào lúc triều cường, nước dâng do bão là rất lớn, vì vậy cần chú ý việc hướng dẫn neo đậu tầu thuyền, tránh xảy ra việc thiệt hại như cơn bão số 5.

Tổng cục trưởng - Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT