Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Họp giao ban công tác phòng, chống thiên tai ngày 20/7/2021

Sáng ngày 20/7, ông Phạm Đức Luận - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp giao ban trực công tác phòng, chống thiên tai.


Tham dự giao ban có các thành viên của ca trực tổng hợp, các ca trực bộ phận (đê điều, hồ chứa, cơ sở dữ liệu, thông tin truyền thông và thông tin thiên tai quốc tế), ca nhận bàn giao và đại diện Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chi cục PCTT khu vực miền Nam (các Chi cục tham gia theo hình thức trực tuyến).

Toàn cảnh cuộc họp

Ông Lê Quang Tuấn - Trưởng ca trực ngày 19/7 báo cáo nhanh công tác phòng chống thiên tai trong ngày. Hiện trên Biển Đông đã xuất hiện cơn bão số 3 (tên quốc tế là CEMPAKA).  Hồi 04h ngày 20/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 04h ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11.Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới: phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 114,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Về công tác chỉ đạo ứng phó, Văn phòng Bộ Công an đã ban hành Công điện số 06/CĐ-V01 ngày 19/7 về việc ứng phó với diễn biến bão số 3 và mưa lớn. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Đà Nẵng đã ban hành các công điện, công văn gửi các Sở, Ban, ngành, địa phương để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3.

Kết luận cuộc họp, ông Phạm Đức Luận đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động ứng phó với bão và thời tiết nguy hiểm trên biển Đông; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh. Bên cạnh đó, duy trì lực lượng trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Vụ TTCĐ