Hội thảo "Ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng chống thiên tai" đã diễn ra tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các đơn vị liên quan. Hội thảo do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cùng với sự hỗ trợ từ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, Mục tiêu là chia sẻ, thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo thực phẩm cho người dân khi thiên tai xảy ra kéo dài, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang khiến thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ. Những thảm họa lớn trên thế giới gần đây như động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt ở Trung Quốc, cháy rừng tại Hoa Kỳ, mưa lũ tại Tây Ban Nha, hay trận động đất lịch sử 7,7 độ Richter tại Myanmar cuối tháng 3/2025 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực ứng phó.
Tại Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, Bắc Bộ và duyên hải miền Trung là hai khu vực đặc biệt dễ tổn thương. Những trận lũ lụt lịch sử năm 1999, bão Ketsana năm 2009, bão số 12 năm 2017 tại Phú Yên và mưa lũ năm 2020 tại miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam cướp đi sinh mạng của hơn 300 người và gây thiệt hại kinh tế tương đương 1-1,5% GDP.
Đáng lo ngại hơn, hệ lụy kéo dài sau thiên tai như thiếu lương thực, nước sạch, và nguy cơ suy dinh dưỡng, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai, là những vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Minh chứng rõ nét là hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) năm ngoái, gây ảnh hưởng đến hơn 570.000 người thiếu nước sạch và khiến 220.000 trẻ em dưới năm tuổi, 70.000 phụ nữ mang thai và cho con bú đối mặt nguy cơ suy dinh dưỡng.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai công tác "ứng phó dinh dưỡng trong phòng chống thiên tai" trở thành yêu cầu bức thiết. Đây cũng là nội dung được đề cập trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021–2030 và tầm nhìn đến năm 2045, theo Quyết định 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc
Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua các thảo luận sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, các địa phương sẽ có thêm kiến thức và phương án áp dụng hiệu quả, đảm bảo thực phẩm trong công tác phòng chống thiên tai.
Hội thảo cũng là dịp để các cơ quan trung ương và địa phương thắt chặt phối hợp, đồng thời kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc xây dựng khả năng chống chịu thiên tai, không chỉ ở khía cạnh hạ tầng mà còn từ những yếu tố thiết yếu như dinh dưỡng và y tế cộng đồng.
Một số hình ảnh tại hội thảo:

Ban tổ chức và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo

TS. Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ tại hội thảo

Quang cảnh hội thảo