Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các tỉnh thành có nguy cơ cao về lũ và ngập lụt như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định; cùng các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, các tổ chức phát triển quốc tế.
Sự kiện là một trong những hoạt động thuộc Giai đoạn 2 của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng (ZCRA)”, do Quỹ Z Zurich (Tập đoàn Bảo hiểm Zurich – Thụy Sĩ) tài trợ, được triển khai từ năm 2024 đến 2027 trên địa bàn 18 xã/phường tại Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, TP. Huế và TP. Cần Thơ. Dự án tập trung nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, hỗ trợ chính quyền các cấp triển khai hiệu quả các chính sách và chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang khiến lũ, lụt tại Việt Nam ngày càng cực đoan. Chỉ riêng năm 2024, bão và lũ sau bão đã làm hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rủi ro lũ lụt đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết".
Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả như hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo lũ và các công cụ hỗ trợ ra quyết định trong quản lý thiên tai. Hội thảo cũng tạo diễn đàn để các địa phương nêu nhu cầu thực tiễn và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Bà Đặng Thị Hương, Phó phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, trình bày tại hội thảo
Tại hội thảo, bà Đặng Thị Hương, Phó phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, trình bày tổng quan về rủi ro lũ lụt và công tác giảm thiểu thiệt hại tại Việt Nam. Các tham luận khác cũng giới thiệu kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong cảnh báo sớm tại TP. Huế, công cụ hỗ trợ quyết định ứng phó lũ tại tỉnh Điện Biên, và kinh nghiệm quản lý rủi ro lũ lụt tại các cộng đồng miền núi phía Bắc và miền Trung Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm QG về ĐLH Sông Biển chia sẻ Công cụ hỗ trợ ra quyết định trong ứng phó với lũ lụt cho tỉnh Điện Biên

Toàn cảnh hội thảo
Thông qua hội thảo, Ban Tổ chức kỳ vọng thúc đẩy các sáng kiến ứng dụng khoa học – công nghệ trong phòng chống thiên tai, đồng thời lan tỏa bài học thực tiễn nhằm xây dựng cộng đồng an toàn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.