Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo tham vấn về Phòng ngừa, ứng phó El Nino, hạn hán và xâm nhập mặn

TP. Cần Thơ, ngày 12/12/2023 - Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tổ chức “Hội thảo tham vấn về Phòng ngừa, ứng phó El Nino, hạn hán và xâm nhập mặn”.


Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện UNDP tại Việt Nam, đại biểu từ các tỉnh khu vực Trung Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ, đại diện các cơ quan nghiên cứu cùng các chuyên gia.
 
Hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Như ở đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn năm 2015 đã gây thiệt hại 405.000 ha cây trồng, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của 210.000 hộ dân. Năm 2019-2020, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, gây thiệt hại cho khoảng 74.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới việc cấp nước sinh hoạt cho 96.000 hộ dân.
 

Xâm nhập mặn năm 2019-2020 ở mức cao hơn so với năm 2015-2016 nhưng mức độ thiệt hại đến cây trồng và dân sinh thấp hơn nhiều là do công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện tốt, các giải pháp ứng phó được chủ động thực hiện từ sớm.

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô năm 2023-2024 ở ĐBSCL được dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn khả năng xuất hiện sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặc dù có thể ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, nhưng chúng ta không thể chủ quan, vì hạn hán, xâm nhập mặn vẫn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Từ thực tiễn cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần được thực hiện sớm (coi trọng yếu tố “phòng”) và các giải pháp cần áp dụng quyết liệt nhưng linh hoạt, phù hợp với đặc thù vùng, miền, địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao, hạn chế thiệt hại đến sản xuất và ảnh hưởng đến dân sinh.

Hội thảo là cơ hội đưa ra các chia sẻ về nhận định xu thế, đánh giá tác động của hạn hán, xâm nhập mặn từ các chuyên gia, cùng những trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan cấp Trung ương, cấp địa phương và các cơ quan liên quan, từ đó giúp đề ra được định hướng liên kết các nguồn lực cùng các biện pháp trước mắt, lâu dài sẵn sàng, chủ động trong phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Phòng HTQT và KHCN