Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo Quốc gia về Đánh giá hỗ trợ nhân đạo Quốc tế cho các tỉnh miền Trung do mưa lũ năm 2020

Ngày 17/9/2021, với sáng kiến của tổ chức Catholic Relief Services (CRS), các Nhóm làm việc về Quản lý Thiên tai, Cứu trợ nhà ở, Nước sạch – Vệ sinh, An ninh lương thực, Nông nghiệp và Dinh dưỡng, Y tế, Cứu trợ tiền mặt, Bảo vệ trong cứu trợ khẩn cấp, Hội thảo Đánh giá Hỗ trợ Quốc tế cho miền Trung Việt Nam do mưa lũ năm 2020 đã được tổ chức cùng với sự phối hợp với Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai nhằm chia sẻ những thực hành tốt và những bài học kinh nghiệm thực tế, đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai và cứu trợ khẩn cấp trong tương lai ở Việt Nam.


Trong năm 2020, các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung Việt Nam đã phải ứng phó với các trận bão, lũ xảy ra liên tiếp trong tháng 10 và tháng 11. Ngày 28 tháng 10, bão Molave (cơn bão số 9) - một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, đổ bộ vào khu vực này và gây ra nhiều thiệt hại và mất mát nghiêm trọng. Lũ chồng lũ, bão chồng bão, cùng với các đợt lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung để lại hậu quả hết sức nặng nề, nhiều nơi đến nay vẫn đang phải khắc phục. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Thiên tai, hơn 230 người đã chết và mất tích, khoảng 196.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; trên 400.000 ngôi nhà bị ngập do các đợt bão, lũ trong tháng 10 năm 2020. Thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra, cùng với các làn sóng dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh trọng điểm thiên tai đã tạo ra những “thách thức kép” cho Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng.

Ngay trong tháng 10 năm 2020, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Thiên tai và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp do mưa lũ năm 2020 đã gửi Thư kêu gọi sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng trong nước và quốc tế để giúp người dân các tỉnh miền Trung nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa lũ. Tổng cục Phòng chống Thiên tai đã điều phối và hỗ trợ hiệu quả cho những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế ngay từ rất sớm.

Để thu thập thông tin về những thiệt hại và nhu cầu cứu trợ nhân đạo của người dân các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi đợt bão lụt này, các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai gồm Tổng cục Phòng chống Thiên tai, các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ), các tổ chức Phi chính phủ Quốc tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… đã tổ chức đợt đánh giá nhanh nhu cầu vào cuối tháng 10 năm 2020.

Kết quả đánh giá đã chỉ ra các thiệt hại chính và các nhu cầu của người dân tập trung vào vấn đề thiếu lương thực, các mặt hàng phi lương thực, nước sạch – vệ sinh; nhà ở và y tế. Từ kết quả đánh giá trên, nhiều tổ chức đã huy động các nguồn viện trợ quốc tế để triển khai công tác cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Đến thời điểm này, các dự án cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sớm từ nguồn hỗ trợ nhân đạo quốc tế do 27 tổ chức tài trợ và thực hiện đã chuẩn bị kết thúc. Với sáng kiến của tổ chức Catholic Relief Services (CRS), các Nhóm làm việc về Quản lý Thiên tai, Cứu trợ nhà ở, Nước sạch – Vệ sinh, An ninh lương thực, Nông nghiệp và Dinh dưỡng, Y tế, Cứu trợ tiền mặt, Bảo vệ trong cứu trợ khẩn cấp, Hội thảo Đánh giá Hỗ trợ Quốc tế cho miền Trung Việt Nam do mưa lũ năm 2020  đã được tổ chức cùng với sự phối hợp với  Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai nhằm chia sẻ những thực hành tốt và những bài học kinh nghiệm thực tế, đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai và cứu trợ khẩn cấp trong tương lai ở Việt Nam.

Trong bối cảnh tuân thủ chặt chẽ qui định của chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid, gần 120 đại biểu đến từ Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam, Liên đoàn Khảo sát Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội , Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM), các thành viên Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai, các thành viên Nhóm làm việc về Quản lý Thiên tai (DMWG), Nhóm làm việc về Nước sạch – Vệ sinh (WASH) trong cứu trợ khẩn cấp, Nhóm làm việc về Cứu trợ tiền mặt (CWG), Nhóm làm việc về Bảo vệ (PWG), Nhóm làm việc về Cứu trợ Nhà ở (SWG), Nhóm làm việc về Y tế trong cứu trợ khẩn cấp, Đại diện Ủy ban Nhân dân, các Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai các cấp, các đối tác cung cấp Dịch vụ Tài chính và các tổ chức cứu trợ địa phương tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lụt miền Trung Việt Nam sẽ cùng tham gia tích cực vào các phiên thảo luận trực tuyến, chia sẻ bài học kinh nghiệm và lập kế hoạch cho các hoạt động điều phối, hợp tác để có thể làm tốt hơn mỗi khi thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Văn Tiến đã phát biểu chính thức khai mạc Hội thảo. Ông cho rằng các bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn, các đề xuất khuyến nghị từ các đại biểu tham gia Hội thảo sẽ đóng góp thiết thực và nâng cao hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp của các hoạt động ứng phó thiên tai trong năm 2021 và các năm sau.

Nhóm làm việc về Quản lý Thiên tai tại Việt Nam ra đời từ năm 1999 sau những trận lũ lịch sử tại miền Trung Việt Nam. Trải qua gần 22 năm hình thành và phát triển, các thành viên của Nhóm đã luôn luôn nỗ lực, đóng góp tích cực vào các hoạt động phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo sau khi thiên tai xảy ra cùng với các đối tác trong và ngoài nước để thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý rủi ro thiên tai hiệu quả, đề xuất những chương trình, dự án phòng chống thiên tai, cứu trợ nhân đạo để xây dựng các cộng đồng an toàn, nâng cao tính chống chịu và sẵn sàng ứng phó tại các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai.

 

Nguyễn Thị Xuân Hồng

Vụ KHCN và HTQT