Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo khoa học công nghệ phục vụ công tác quan trắc, dự báo Khí tượng Thủy văn và Hội nghị Tổng kết công tác dự báo phục vụ phòng chống thiên tai khu vực Nam Bộ.

Ngày 03/7/2020, tại Phú Quốc – Kiên Giang, Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Khu vực Nam Bộ đã tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ quan trắc, dự báo KTTV và Hội nghị tổng kết công tác dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai (PCTT) khu vực Nam Bộ năm 2019-2020.


Tham dự Hội thảo và Hội nghị có ông Lê Hồng Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ông Nguyễn Thanh Nam - Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo các Sở TN&MT 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Ông Lê Hồng Phong-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu chỉ đạo

Trong những năm gần đây, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường dưới tác động của biến đổi khí hậu; Hạn hán, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc, bão, mưa đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt đời sống (Số liệu quan trắc, mực nước biển tại Trạm Hải văn Vũng Tàu đã tăng 15cm trong vòng 30 năm qua. Triều cường tại Phú An tăng 47cm, từ  1,30m năm 1999 lên 1,77m năm 2019; đỉnh triều tại các trạm Cần Thơ, Mỹ Thuận đều gia tăng và thường xuyên vượt mức lịch sử. Mưa lớn ngày lớn nhất trong năm với mức gia tăng khoảng 0,78mm/năm trong vòng hơn 60 năm qua). Đặc biệt, khu vực Nam Bộ được đánh giá là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 50cm đến 1m thì 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 28 triệu dân vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai và yêu cầu ngày càng cao của xã hội về chất lượng dự báo, thông tin cảnh báo dự báo được cập nhật thường xuyên, kịp thời… nên việc đảm bảo số liệu quan trắc chính xác, liên tục và nâng cao chất lượng dự báo KTTV đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành KTTV nói chung và Đài KTTV Khu vực Nam Bộ nói riêng, cần có những định hướng và giả pháp cụ thể. Chính vì vậy, tại Hội thảo sẽ đề cập đến một số vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào tác nghiệp quan trắc và cảnh báo KTTV như phát huy nội lực trong nguyên cứu, chế tạo trang thiết bị quan trắc KTTV, từng bước nội địa hóa thiết bị và ứng dụng phần mềm tích hợp số liệu KTTV trong khu vực.

Việc xây dựng các bộ công cụ phục vụ công tác dự báo KTTV; đồng hóa dữ liệu số liệu khí tượng bề mặt, ra đa để nâng cao chất lượng dự báo điểm, dự báo cực ngắn trước 30 phút, 1 giờ và 3 giờ đảm bảo độ tin cậy cao phục vụ PCTT và phát triển nông nghiệp; ứng dụng sản phẩm công nghệ thông tin để cung cấp thông tin, tương tác với người dân, cơ quan quản lý có thông tin sớm nhất, tin cậy nhất thông qua Fanpage, app, youtube,… 

Tại Hội nghị, các cơ quan quản lý, các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học giới thiệu về các công trình, dự án, thiết bị phục vụ cho công tác dự báo KTTV như hệ thống theo dõi và cảnh báo mưa dông vùng ĐBSCL; bộ công cụ tổng hợp số liệu KTTV; thiết bị đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo và điều tra cơ bản ngành KTTV; ứng dụng công nghệ mới trong nghiệp vụ dự báo thời tiết; ứng dụng Smartmet vào công tác dự báo…

Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trái quy luật, xảy ra liên tục với tần suất ngày càng tăng. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng ngày càng khốc liệt, mưa lớn thường xuyên vượt mức lịch sử, có nơi vượt trên 100% như Phú Quốc, TP.HCM, triều cường liên tục phá vỡ mức lịch sử trên sông Tiền, sông Hậu, đặc biệt là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai 3 năm liền đều vượt mức lịch sử, các đợt mưa lớn trên diện rộng, dông mạnh kèm theo lốc xoáy, sét.... xảy ra ở nhiều tỉnh, thành gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, tính mạng và tài sản. Từ đó cho thấy biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã, đang và sẽ tác động ngày càng mạnh đến khu vực Nam Bộ theo chiều hướng cực đoan. 

Toàn cảnh Hội nghị

Nhận định về tình hình KTTV trong những tháng cuối năm 2020, lãnh đạo Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cho biết, trong các tháng 7, 8 và 9/2020 tổng lượng mưa tại khu vực Nam Bộ đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm, còn tại khu vực ĐBSCL tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Về tình hình thủy văn đầu nguồn sông Cửu Long năm 2020 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm, đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 0,4m xuất hiện vào nửa cuối tháng 9/2020.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nam – Chi cục trưởng Chi cục PCTT miền Nam, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nhận xét: Việc từng bước nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các bản tin dự báo KTTV là yêu cầu chính đáng của cộng đồng, là trách nhiệm của những người làm công tác KTTV. Trong thời gian tới, ngành KTTV cần tiếp tục đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, sớm và độ chính xác tin cậy cao phục vụ cho công tác chỉ đạo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai của các cấp, các ngành. Năm 2020, Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cần làm tốt hơn nữa một số nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện tốt, nghiêm túc các quy định của Luật KTTV, Luật PCTT và các Nghị định có liên quan, đặn biệt là (Quyết định 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tăng cường công tác phối hợp với Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, các Đài tỉnh, hỗ trợ đầu tư cho ngành KTTV các Trạm quan trắc KTTV dùng riêng, làm cơ sở cho công tác cảnh báo, dự báo nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai của địa phương. 

Các thông tin dự báo, cảnh báo KTTV chuyển đến cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương cần kịp thời, phục vụ tham mưu cho lãnh đạo ra quyết định trong công tác chỉ đạo phòng tránh, ứng phó thiên tai cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về KTTV, PCTT để nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Nguyễn Thanh Nam - Chi cục PCTT miền Nam