Phát biểu khai mạc Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Ông Phạm Đức Luận cho biết thiên tai năm 2023 xảy ra 1.145 trận thiên tai trên các vùng miền. Năm 2023 là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thống kê từ năm 1945 đến nay thì đây là năm thứ 3 Việt Nam không có cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Tuy nhiên sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Điển hình như đợt mưa lớn đầu tháng 8 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 17 người chết, mất tích. Sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó nghiêm trọng nhất tại đèo Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 6 người chết.
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ gây ngập lụt diện rộng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, làm 14 người chết, mất tích. Thiên tai năm qua làm 169 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 8.236 tỉ đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận phát biểu khai mạc Hội nghị
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành báo cáo về kết quả công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai biểu dương những nỗ lực của cán bộ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã hoàn thành tốt công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai trong năm qua.
Để thực hiện tốt công tác công tác này trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tập trung hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao theo quy định, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn khác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và Nghị định hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu.
Cùng với việc tham mưu kiện toàn tổ chức, hoạt động, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Cục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể, xây dựng Đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng nội dung kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.
Đồng thời, Cục tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; báo cáo, tổng hợp số liệu và đề xuất biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đúng mục đích, đối tượng và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng, chống sạt lở; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai...
Đối với công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương để đưa tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân; duy trì và phát triển các trang mạng xã hội của Cục với nhiều chương trình, tin bài hấp dẫn, tăng tính tương tác và thu hút sự tham gia của người dùng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cần tập trung triển khai các nội dung thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng; chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đảm bảo kế hoạch giải ngân 2024; tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền, cộng đồng...
Năm 2024, Cục tổ chức triển khai 4 dự án điều tra cơ bản; hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Cục triển khai các phong trào thi đua có hiệu quả; tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhân rộng các mô hình điển hình; khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này...
Ông Trần Công Tuyên Trưởng phòng, Phòng Quản lý đê điều trình bày tham luận kết quả tham mưu một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực đê điều trong năm 2023 tại Hội nghị
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng, Phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ với tham luận Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Q. Trưởng phòng, Phòng Thông tin, Truyền thông trình bày tham luận về chiến dịch truyền thông sáng tạo hưởng ứng năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, năm 2023 biến đổi khí hậu và El nino đã tác động khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay.
"Dự kiến năm 2024 sẽ còn tiếp tục có nắng nóng. Nửa đầu năm 2024 thời tiết có thiên hướng nắng nóng và thiếu nước, hạn hán. Nguy cơ gây thiếu nước sinh hoạt. Có thể xảy sạt lở, sụt lún do hạn hán. Mùa Đông sẽ có xu hướng ấm và ẩm. Nửa cuối năm 2024 sẽ mưa nhiều, mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, tập trung nhiều bão ở Biển Đông. Hoạt động phòng chống bão sẽ nhanh và gấp hơn. Đề nghị các bộ ngành địa phương tăng cường truyền thông hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các phương án ứng phó".
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng 3, trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai trao tặng Huân chương lạo động hạng Ba của Chủ tịch nước cho Bà Nguyền Thị Thùy Liễu, Phó trưởng phòng, Phòng Quản lý quy hoạch và Đầu tư và Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng, Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phhur cho Bà Đàm Thị Hoa Phó trưởng phòng, Phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ và ông Đặng Văn Đăng, Phó trưởng phòng, Phòng Kiểm soát an toàn thiên tai
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trao tặng danh hiệu Chiến sũy thi đua cấp Bộ cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác 2020-2022
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai trao Bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2-21-2022.