Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đồng bằng sông Cửu Long: Cần giải pháp mới cho nông nghiệp thuận thiên

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với những tác động cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH). Diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết đặt ra cho ĐBSCL hai sự lựa chọn: Kiên quyết chống lại sự thay đổi hoặc thay đổi mình để thuận theo hoàn cảnh mới. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 17-11-2017 trên cơ sở lựa chọn giải pháp thuận thiên vì một nền nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững. Không phủ nhận tính hiệu quả, nhưng sau hơn 6 năm nhìn lại, ĐBSCL cần phải có một tư duy, tầm nhìn mới nhằm thích ứng tốt hơn với BĐKH và để nông nghiệp thuận thiên phát triển bền vững.


Thách thức tới đâu, vươn lên tới đó

Hơn 20 năm trước, nông dân miền Tây phải xuống giống sớm vụ lúa hè thu để “né” lũ từ dòng Mê Công về vào tháng 8. Nay người dân miền Tây đã bắt đầu tích nước ngọt, chủ động "né" mặn xâm nhập cục bộ trong mùa khô hạn. Những ngày gần cuối tháng 3, dù hạn mặn đang gay gắt, nhưng những vườn cây ăn trái của các tỉnh như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... vẫn xanh tốt bởi nhà vườn nào cũng đã nhận ra việc theo dõi độ mặn, đào mương tích nước ngọt, tưới tiêu cho cây ăn trái là điều cốt lõi để giữ sinh kế.

Có 1 héc-ta đất trồng sầu riêng, biết đây là cây nhạy cảm với nước mặn, thay vì cho trái chính vụ, ông Trình Văn Sỹ, ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) lại xử lý nghịch mùa. “Vụ thuận thường có thời điểm thu hoạch vào khoảng tháng 3-5 âm lịch. Vụ nghịch thường kết thúc thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Nếu để ra trái mùa thuận, bà con sẽ xử lý ra hoa vào khoảng tháng 11-12, ra giêng cây mang trái ngay mùa hạn mặn sẽ dễ suy kiệt dẫn đến chết cây. Năm nay, các nhà khoa học dự báo hạn mặn xâm nhập sâu nên tôi và bà con chuyển hướng sang mùa nghịch, thu hoạch xong vào khoảng tháng chạp”, ông Sỹ bộc bạch.

Nếu bà con các tỉnh sông Tiền tích ngọt, “né” mặn thì nông dân vùng sông Hậu lại thuận thiên bằng các mô hình hài hòa mặn-ngọt. Tại vùng Bắc Cà Mau (huyện Thới Bình, huyện U Minh, một phần huyện Trần Văn Thời) nằm xa cửa biển nên mùa mưa thì nước ngọt, còn mùa nắng thì nước bị nhiễm mặn. Theo đó, mùa khô thì người dân nuôi tôm, mùa mưa tranh thủ rửa phèn để làm một vụ lúa; đồng thời thả xen canh tôm càng, tôm sú, cá... Ông Võ Hoàng Linh (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Từ khi thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, nông dân ở đây tăng thu nhập lại không lo hạn mặn”.

Nâng tầm tư duy nông nghiệp thuận thiên

Có thể xem thực tiễn 3 trận hạn, mặn lịch sử năm 2016, 2020 và 2024 là “liều thuốc thử” để củng cố tư duy sản xuất nông nghiệp thuận thiên của người dân ĐBSCL. Trải qua 6 năm triển khai, lợi ích cũng như hiệu quả của Nghị quyết 120 đối với ĐBSCL và nông dân đã nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), mô hình thuận thiên còn ít; tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản thuận thiên là rất lớn song thu nhập từ mô hình thuận thiên chưa cao. Điều này khiến nông dân không mặn mà với nông nghiệp thuận thiên.

Đề xuất giải pháp, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp ĐBSCL cho rằng: “Nhà nước cần phải “nhúng tay” vào để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp; phải có chiến lược, định hướng nơi nào thích hợp trồng cây, nuôi con gì để phát triển tối đa, giúp thu nhập của người nông dân tăng lên”.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản. “Vùng ĐBSCL đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt của hệ thống sông Mê Công và BĐKH ngày càng cực đoan hơn đã làm gia tăng sự ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Mô hình thuận thiên muốn phát triển nhân rộng phải có các hệ thống thủy lợi phù hợp”, ông Sử kiến nghị.

Thực tế sau 6 năm, dù Nghị quyết 120 được xem là nghị quyết “vàng”, là nguồn cảm hứng và kim chỉ nam để phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng với BĐKH, song để nghị quyết này đạt mục tiêu như mong muốn, đòi hỏi phải có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa những nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để nông nghiệp phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cư dân vùng ĐBSCL cần thay đổi tư duy hơn nữa, có cách tiếp cận mới theo xu hướng và quy hoạch cấp vùng. “Nông dân ở vùng ĐBSCL cần có giải pháp canh tác hướng đến nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Một tín hiệu vui cho ĐBSCL là mới đây, các đối tác quốc tế như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), WWF..., các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện những giải pháp nông nghiệp thuận thiên; cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các dự án nông nghiệp đầu tư công. Kinh phí huy động nguồn lực dành cho nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL đến nay khoảng 600 triệu USD. Ngân hàng Thế giới cũng đang xem xét hỗ trợ đề án 1 triệu héc-ta lúa với kinh phí khoảng 400 triệu USD...

Tin tưởng rằng, với sự thích ứng linh hoạt của người dân và sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học... đặc biệt, những nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, đối tác quốc tế, thời gian tới, nông nghiệp thuận thiên của ĐBSCL sẽ được nâng lên tầm cao mới.

Mô hình Tôm-Lúa được bà con nông dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu áp dụng vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa thuận thiên.

Theo QĐND