Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung cho vùng xâm nhập mặn tại ĐBSCL

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn.


Hơn 1 tháng nữa Nam Bộ sẽ bước vào mùa mưa

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại cuộc họp ngày 7/4, từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2015-2016, 2019-2020.

Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là ở nông thôn. Theo thống kê, có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các mức độ khác nhau.

Về hoạt động sản xuất, tháng 9/2023, có khoảng 56.260 ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300 ha cây ăn trái được Bộ NN&PTNT chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các diện tích trồng lúa, cây ăn trái. Đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Tính đến ngày 6/4/2024, trà lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1.304.301 ha/1.488.182 ha xuống giống, đạt 87,6%, các vùng cây ăn trái vẫn an toàn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, thời gian tới, khả năng vẫn xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024. Dự kiến từ ngày 20/4 tại Nam Bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa, tuy nhiên, mùa mưa mới chính thức bắt đầu từ ngày 20/5.

Lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thành, mở rộng những dự án thủy lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có giải pháp phòng, chống sạt lở cho các khu vực dân cư ven các sông, kênh, rạch…

Đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung cho vùng xâm nhập mặn

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khốc liệt, đối với vùng duyên hải, ven biển hay bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung, có các trạm lấy nước nằm sâu trong vùng ngọt; đồng thời sắp xếp lại khu dân cư theo hướng tập trung, kết hợp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mùa vụ...

Ảnh: Phó Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất,

phòng chống xâm nhập mặn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Bên cạnh đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tính toán lại quy hoạch về hạ tầng giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, hoạt động khai thác nước ngầm... trước tình trạng sụt lún, sạt lở ngày một gia tăng.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng cần đầu tư căn cơ, đồng bộ hạ tầng thủy lợi, cấp nước, phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn theo quy hoạch và điều tiết hài hòa nguồn nước ngọt giữa vùng thượng nguồn và vùng đồng bằng trung tâm, ven biển, với các hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

"Chúng ta làm càng sớm càng hiệu quả, nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi điều phối toàn vùng," Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rà soát các dự án cấp bách, đáp ứng được các mục tiêu chung, mang tính hiệu quả cao, có thể giúp vùng chuyển nhanh sang trạng thái phát triển bền vững.

"Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vững vàng ứng phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn, cho thấy sự chuyển đổi đúng hướng nhằm thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực cần thiết để giải quyết những vấn đề, thách thức có tính chiến lược về thủy lợi, biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long," Phó Thủ tướng nêu.

 

Tổng hợp