Dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết thực hiện ngày 10/08/2017, với kinh phí hơn 421 tỷ đồng, trong đó 379 tỷ đồng vốn ODA của Nhật Bản. Trong thời gian từ 2017 - 2023, thông qua dự án, Nhật Bản đã cung cấp nhiều trang thiết bị hiện đại, thiết lập mạng lưới thông tin phòng, chống thiên tai toàn diện cùng với các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên lưu vực sông Hương, đồng thời cải thiện hệ thống vận hành và quản lý ba đập lớn là đập Bình Điền, đập Hương Điền, và đập Tả Trạch, kết hợp với quản lý rủi ro thiên tai. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai của Việt Nam, Kế hoạch Quản lý lũ lụt tổng hợp lưu vực sông Hương, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT & TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế chiều, tối ngày 14/11/2023 đến sáng ngày 15/11/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn tại nhiều địa phương, mực nước trên các sông Hương, sông Bồ dâng lên nhanh, gây chia cắt cục bộ. Trong tối ngày 14/11/2023, mực nước các sông đạt báo động 2, đến báo động 3 cụ thể: Sông Hương tại trạm Kim Long khả năng lên trên mức báo động II (mực nước báo động II là +2 m) tràn Đập Đá lúc 17h ngày 14/11; sông Bồ tại trạm Phú Ốc sẽ tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh ở mức 3,65 m (trên báo động II là +0,65 m), xuất hiện vào khoảng 21h-23h tối ngày 14/11/2023.
Chiều ngày 14/11/2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện số 6 đề nghị các huyện, thị xã và thành phố Huế; các sở, ban ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; Công điện số 05/CĐ-PCTT ngày 13/11/2023 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Liên quan đến hoạt động kiểm soát lũ tại 3 đập lớn trên lưu vực sông Hương, tại trận lũ tháng 11/2023, lũ lụt đã giảm được đáng kể, và nếu không có đập kiểm soát lũ, mức độ ngập lụt có lẽ sẽ nghiêm trọng gấp đôi so với thực tế. Khoảng 4 ngày trước khi xảy ra lũ, mực nước hồ chứa của cả ba đập đã được hạ xuống, và đảm bảo dung tích mỗi đập tương đương 18-40% (tổng cộng là 27%) so với dung tích kiểm soát lũ tại thời điểm đó, điều đó có nghĩa là nếu mực nước không được hạ trước lũ, tình trạng ngập lụt có thể đã rộng thêm đến gần 30%.
Thêm vào đó, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, "nhờ có dự án viện trợ không hoàn lại này mà thiệt hại đã được giảm thiểu" và "lần này, việc hạ mực nước hồ chứa được thực hiện trước bốn ngày, trong khi trước đây, việc hạ mực nước như vậy sẽ là hai ngày trước lũ". Nếu không hạ mực nước trong hai ngày đầu tiên, tình trạng ngập lụt có thể đã thêm đến gần 10%, điều này có lẽ là nhờ hiệu quả của dự án.
Mặc dù đã có những tác động tích cực, nhưng vẫn còn có những phần phải cải thiện, do đó cần thiết lập chu trình PDCA (Lên kế hoạch-Thực hiện-Kiểm tra-Điều chỉnh) để xác minh rõ ràng sau mỗi đợt thiên tai và liên tục rút ra các bài học kinh nghiệm từ mỗi lần ứng phó với lũ và áp dụng chúng cho những đợt thiên tai sau. Cũng cần phải làm quen với hệ thống hỗ trợ vận hành đập mà dự án đã mang đến. Hơn nữa, cần tuyên truyền đến công chúng một cách dễ hiểu về hiện trạng và hiệu quả kiểm soát lũ của việc vận hành đập dựa vào các dữ liệu nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn. Việc xem xét điều chỉnh quy định cũng rất quan trọng nếu sau khi xác minh thấy đó là việc cần thiết.
Ngoài ra, cần chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp có được từ dự án Sông Hương cho các lưu vực sông khác, đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị trong lĩnh vực PCTT với Tổng cục Khí tượng Thủy văn để đảm bảo các đơn vị này đều có thể sử dụng dữ liệu rada và các dữ liệu quan trắc khác theo thời gian thực đang được Tổng cục Khí tượng Thủy văn nắm giữ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và cơ chế xử lý vận hành rada và dữ liệu.
XEM TOÀN BỘ BÁO CÁO TẠI ĐÂY