Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Giáo dục và đào tạo về nhiệm vụ phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành giáo dục.

Ngày 5/1/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2024-2029.


Mục đích của Chương trình phối hợp nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đồng thời góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình phối hợp này được áp dụng đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung chính của Chương trình phối hợp sẽ tập trung vào bốn nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn về việc về tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các môn học

a) Rà soát, xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

b) Xây dựng và thống nhất hướng dẫn các nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần lồng ghép trong các môn học giúp các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục các cấp triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.

c) Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép vào môn học kiến thức phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các cấp học phổ thông và các cơ sở đào tạo chuyên biệt.

d) Xây dựng các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn học sinh phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai từng địa phương.

e) Biên soạn, chuẩn hóa bộ tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong trường học về phòng chống thiên tai như: Rung chuông vàng, vẽ tranh, các hoạt động thể thao… và một số cuộc thi cho học sinh, phụ huynh và giáo viên tham gia.

g) Xây dựng Đề án “Tích hợp, lồng ghép kiến thức về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông”.

Thứ hai, tổ chức tập huấn, các hoạt động ngoại khóa về lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào hoạt động giảng dạy

a) Tổ chức các khóa/lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ về lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai theo bộ tài liệu chuẩn.

b) Thực hiện thí điểm tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy tại một số trường Đại học khối ngành Sư phạm, trường đại học có đào tạo giáo viên.

c) Phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai…

Thứ ba, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học an toàn trước thiên tai

Thực hiện xây dựng thí điểm mô hình trường/lớp học an toàn, thích ứng với thiên tai cho một số địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, kết hợp làm nơi tránh trú, di dời an toàn cho cộng đồng.

Thứ tư, một số nhiệm vụ khác

a) Xây dựng và bổ sung tiêu chuẩn “Trường học an toàn trước thiên tai” trong các tiêu chuẩn Trường học an toàn.

b) Tham gia các chương trình, khung hành động, cam kết, sáng kiến quốc tế về trường học an toàn trước thiên tai trong khu vực và toàn cầu.

c) Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường liên quan đến phòng chống thiên tai.

Chi tiết Chương trình hợp tác tại đây.