Theo ông Chaiwat, lượng mưa lớn được dự báo sẽ còn tiếp diễn ở các tỉnh thượng nguồn phía Bắc cho đến ngày 30/8. Do đó, nước lũ từ thượng nguồn đang và sẽ tiếp tục đổ ra các dòng sông lớn, qua các hồ đập và tràn về các tỉnh hạ nguồn trong những ngày tới với lưu lượng ngày càng lớn hơn.
Theo thống kê, lượng nước đổ về đập Chao Phraya đã tăng từ khoảng 600 mét khối/giây lên 944 mét khối/giây trong ngày 25/8. Để giảm lượng nước trong đập, cơ quan chức năng sẽ tăng lưu lượng xả lên mức từ 700-900 mét khối/giây, khiến mực nước sông Chao Phraya có thể dâng cao thêm 40-80 cm.
Các vùng trũng thấp thuộc thủ đô Bangkok và 10 tỉnh hạ lưu sẽ có nguy cơ bị ngập lụt trong một vài ngày tới. Người dân cần nâng cao cảnh giác và bắt đầu di chuyển người cùng đồ đạc có giá trị lên những vị trí cao.
Mực nước ở nhiều dòng sông đổ về Bangkok và các tỉnh hạ nguồn ở Thái Lan đang tiếp tục tăng cao và có nguy cơ gây ngập lụt trong một vài ngày tới: Nguồn: The Nation
Trong ngày 25/8, nước lũ tràn từ các tỉnh Nan, Phrae đã bắt đầu gây ngập lụt nhiều khu vực ở các tỉnh trung và hạ nguồn. Nước chảy siết ở sông Yom đã làm một đoạn đê ở huyện Muang, tỉnh Sukhothai bị vỡ, khiến một khu vực rộng lớn bị ngập lụt. Lực lượng quân đội đã được huy động để dựng bao cát tạm thời nhằm hạn chế lượng nước sông tràn vào các làng, xã.
Phó Thống đốc Bangkok Wisanu Subsompon cho biết chính quyền thủ đô đang theo dõi chặt chẽ mực nước sông Chao Phraya và đã chuẩn bị các phương án ứng phó với tình hình ngập lụt ở nhiều khu vực. Ông Wisanu cam kết sẽ không tái diễn tình trạng như trận lũ lịch sử năm 2011.
Thời gian qua, chính quyền thủ đô đã chủ động tiến hành nạo vét hệ thống cống rãnh, kênh rạch; sửa chữa, tu bổ hệ thống đê, đồng thời kiểm tra hệ thống trạm bơm nước để đảm bảo tất cả các đường hầm thoát lũ đều hoạt động hiệu quả. Hiện hệ thống đê đã được kiểm tra và gia cố tại hơn 700 khu vực có nguy cơ cao ở vùng hạ lưu Bangkok và đặt bao cát ở những nơi không có đê cố định.